ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC ĐẦU TƯ 08 DỰ ÁN THÀNH PHẦN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC-NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

Chiều ngày 16/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 08 dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22.11.2017 (Nghị quyết số 52) về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (gọi tắt là dự án), tính đến tháng 10.2018, Bộ Giao thông- Vận tải đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần (trong đó có 3 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công và 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 477,25 km/654 km (đạt 73%), dự kiến cơ bản hoàn thành trong quý II năm 2020; đối với một số đoạn do phải di dời công trình hạ tầng phức tạp, sẽ hoàn thành trong quý III năm 2020. Đã triển khai xây dựng 35/114 khu tái định cư; 79 khu tái định cư còn lại đang triển khai thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý III năm 2020

Về công tác lựa chọn nhà đầu tư, song song với công tác sơ tuyển, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chủ động xây dựng mẫu hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Sau khi có kết quả phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, dự kiến sẽ cập nhật hồ sơ mời thầu và phát hành cho nhà đầu tư khoảng cuối tháng 5 năm 2020; dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11 tháng 2020.

Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, việc hoàn thành và đưa vào khai thác dự án càng sớm càng có ý nghĩa đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ cơ bản giải quyết được “mục tiêu kép”, vừa tạo điều kiện giải ngân nhanh khối lượng vốn đầu tư công lớn, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng nhanh chi tiêu đầu tư, vừa đẩy nhanh được tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào khai thác dự án do không gặp rủi ro về lựa chọn nhà đầu tư và huy động vốn tín dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là đúng quy định. Hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về sự cần thiết và nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Về sự cần thiết và nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hai loại ý kiến nêu trên đều có cơ sở, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại; đồng thời, bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho Dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho Dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.

Về tác động của việc điều chỉnh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động đối với các dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 1, đặc biệt các dự án đã bị sụt giảm doanh thu trong thời gian vừa qua.

Liên quan đến phương án thu hồi vốn nhà nước, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung phương án sơ bộ thu hồi vốn nhà nước đối với 03 dự án đầu tư công và các dự án PPP nếu được chuyển đổi sang đầu tư công theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Về tổng mức đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư được xác định trên cơ sở tổng hợp tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu khả thi, trong khi đó hiện nay có dự án thành phần đã hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hiện đang tổ chức thẩm định phê duyệt dự toán. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát các nội dung cập nhật triển khai sau thiết kế cơ sở bảo đảm xác định tổng mức đầu tư hợp lý, phù hợp tình hình triển khai dự án

Tại phiên họp, đa số các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là một dự án trọng điểm, có tác động lớn, do vậy cần phải cân nhắc thật thận trọng khi thay đổi. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chính phủ nên báo cáo Quốc hội những gì khó khăn, chưa thể làm được để giải quyết, còn dự án nào vẫn có thể triển khai được thì vẫn làm, chứ không nên chuyển thẳng 08 dự án này sang đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chủ trương đầu tư theo hình thức PPP để huy động nguồn lực ngoài nhà nước, giảm áp lực cho ngân sách đầu tư công. Do vậy, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 08 dự án từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công là chưa hợp lý. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta cần phải tính toán tiền ở đây cho ngân sách đầu tư công khi chuyển toàn bộ 08 dự án này sang đầu tư công và liệu Chính phủ có thể giải ngân được hết nguồn vốn đầu tư hay không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ liệu có phải các doanh nghiệp đã qua 02 vòng thầu sơ tuyển không có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án hay không?

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chính phủ và Ủy ban thẩm tra, các cơ quan hữu quan cần ngồi lại với nhau một lần nữa để nghiên cứu lại nội dung này, xem có dự án nào cần thiết chuyển sang đầu tư công, dự án nào có thể tiếp tục triển khai để đáp ứng giải quyết thực tiễn, lùi lại thời gian một chút cũng không sao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công là một chủ trương lớn, vì vậy cần kiên trì với chủ trương này. Nếu thay đổi cần phải xin ý kiến Quốc hội và Bộ Chính trị chứ chưa thể quyết định ngay được. Do vậy, đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan rà soát lại các dự án, chuẩn bị lại hồ sơ Tờ trình, nếu đủ "độ chín" sẽ trình để xin ý kiến lần 02 tại phiên họp 45B tới đây./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=45611