Ủy ban thường vụ Quốc hội: Cần phân tích kỹ động lực tăng trưởng để phát huy trong năm 2019

Đó là nhận định của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ trong 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020 tại phiên họp chiều 15/10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Tích cực đối thoại, tháo gỡ vướng mắc

Vấn đề đầu tiên được Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra các báo cáo nêu ra là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, ước đạt 6,7%, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.

Diễn biến mức tăng trưởng GDP của 3 quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm, do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ổn định là nhận xét của cơ quan thẩm tra. Con số đáng chú ý là dự trữ ngoại hối tăng (hiện đạt khoảng 60 tỷ USD). Việc thực hiện nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực, góp phần quan trọng trong việc xử lý, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ rõ, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phải “vừa làm, vừa gỡ; vừa làm, vừa tạo sự đồng thuận, đồng lòng; vừa khắc phục hạn chế yếu kém vừa khắc phục thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu…” nhưng với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, với các chương trình hành động của Chính phủ, chúng ta đã góp phần hoàn thiện được nhiều thể chế, chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Tăng trưởng GDP đạt và vượt kế hoạch đề ra song cụ thể chất lượng tăng trưởng như thế nào, có bền vững hay không cần phải được phân tích cụ thể. Tăng ở khu vực nào, bao nhiêu?

Bên cạnh những kết quả tích cực, cần chú ý phân tích kỹ hơn những rủi ro về tác động kinh tế thế giới; rủi ro lạm phát tỷ giá; các rào cản về thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo điều hành còn chưa tốt ở nhiều nơi, tuy không phổ biến nhưng cũng không ít ở các địa phương.

Có thể kể đến như: Lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đến các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên gặp gỡ đối thoại với các DN để cùng giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; công khai, minh bạch công tác giao vốn đầu tư trung hạn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng đã có tác động tích cực, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

“Chúng ta cũng lắng nghe nhiều hơn ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp; giữ vững được trật tự an toàn xã hội. Quốc hội cũng tăng cường giải trình, giám sát, từ đó góp phần thúc đẩy công tác quản lý, điều hành đất nước…”, Phó Chủ tịch nêu.

Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, nhất là việc đã ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, nợ công được kiểm soát, xã hội đồng thuận về chủ trương của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân, bà Tòng Thị Phóng khẳng định, nhờ đó, chúng ta có khí thế mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tiếp theo.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ XIV, sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lũ, tình hình quốc tế biến động rất phức tạp… song chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt. Thủ tướng Chính phủ luôn đi sâu, đi sát cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc đặt ra, động viên, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực song vẫn còn một số vấn đề của nền kinh tế cần được lưu ý. Theo ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ khẳng định là cơ bản tích cực và đúng hướng. Song cần quan tâm hơn nữa trong thực hiện mục tiêu tổng quát về "đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh".

Đại diện cơ quan thẩm tra nêu rõ, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 34%; hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế tuy có sự cải thiện qua các năm nhưng mức năng suất lao động vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, đóng góp cũng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nên khó ổn định được nguồn cung lẫn cầu.

Bên cạnh đó, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước. Với dân số cả nước trên 94 triệu dân nhưng phát triển thương mại trong nước còn hạn chế, cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cho doanh nghiệp phân phối trong nước.

Kiến nghị cho thời gian tới, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần phát huy phong cách làm việc cầu thị, kịp thời và tôn trọng ý kiến của dư luận, cử tri, đại biểu Quốc hội; phát huy mô hình tổ công tác của Thủ tướng trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, các bộ. Đặc biệt, bà Nga đề xuất Chính phủ làm đậm nét thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đây là giai đoạn phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, nói đi đôi với làm, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị, Chính phủ nên đánh giá thêm về tính tự chủ của nền kinh tế; làm sao để đẩy nhanh hơn việc giải ngân vốn đầu tư, đánh giá thêm tình hình sản xuất ở một số ngành, một số lĩnh vực; bổ sung đánh giá công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy có tác động thế nào đối với đời sống kinh tế - xã hội…

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-tich-ky-dong-luc-tang-truong-de-phat-huy.aspx