Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu tán thành Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư với Việt Nam

Sáng 21/1 (chiều 21/1 theo giờ Hà Nội), Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định về thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (IPA) Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU).

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất - Lâm Khánh (TTXVN)

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất - Lâm Khánh (TTXVN)

Reuters và tờ The Guardian dẫn thông cáo báo chí của INTA cho biết - với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng – các thành viên Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã tán thành khuyến nghị của Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do của khối này với Việt Nam. Dưới sự chủ trì bởi Chủ tịch Bernd Lange, buổi bỏ phiếu có sự tham dự của 40 thành viên của Ủy ban INTA.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Đây là hiệp định đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển và là hiệp định thương mại tự do thứ hai của EU với một nước Đông Nam Á, sau Singapore. Điều này cho thấy EU sẵn sàng tiếp tục con đường thương mại tự do và mở, đồng thời kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trước đó, vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Chứng kiến lễ ký có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại EU; ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam; cùng các vị đại diện Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành Trung ương, Đại sứ các nước châu Âu và ASEAN tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Nghị viện châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, 2 hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai Bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lón khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á- Âu và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/uy-ban-thuong-mai-quoc-te-cua-nghi-vien-chau-au-tan-thanh-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-va-bao-ho-dau-tu-voi-viet-nam-20200121174622032.htm