Ủy ban Tài chính- Ngân sách tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Ngày 29/8, tại Tp.Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Tham dự hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Tp.Cần Thơ, Hội kế toán Tp.Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước cùng các thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại TP.Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung ba lần, trong các năm 2012, 2014 và 2016. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý thuế cơ bản đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành như: (i) tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế; (ii) tạo sự đồng bộ, nâng cao tính rõ ràng minh bạch; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như quy định về chính sách quản lý thuế chưa thay đổi kịp với sự thay đổi của chính sách tại từng sắc thuế. Việc xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế chưa theo kịp với thực tiễn. Chức năng, thẩm quyền của cơ quan thuế chưa được bổ sung kịp thời với diễn biến phức tạp của vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế trong thời gian qua. Quy định về địa vị pháp lý của các thiết chế trung gian giữa người nộp thuế và cơ quan thuế như đại lý thuế; tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Một số quy định trong Luật quản lý thuế chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan và không còn phù hợp với thực tế, tính khả thi không cao…Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là cần thiết.

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2018 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo

Để có thêm thông tin trong quá trình soạn thảo, thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về một số vấn đề cơ bản của dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau: phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ: về dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; giao dịch liên kết; quy định về các trường hợp bất khả kháng khác; chức năng, nhiệm vụ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan thanh tra… và trách nhiệm công vụ khi giao thẩm quyền cho các cơ quan trong việc miễn thuế, khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế…; về đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán; các biện pháp chống chuyển giá của các giao dịch liên kết, các công ty đa quốc gia; về việc quy định chức năng điều tra cho cơ quan thuế và các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có sự tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn quản lý thuế của các nước trong khu vực và thế giới để cụ thể và chi tiết hóa nhiều nội dung. Dự thảo Luật đã bổ sung và hoàn chỉnh các quy định để bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế được rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, người nộp thuế được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn… Dự thảo Luật cũng đã bổ sung và cụ thể việc quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến công tác quản lý thuế của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, Bộ Công thương…

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Luật về các điều kiện pháp lý khi đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán để không tồn tại 2 loại hình cung cấp dịch vụ kế toán trong 2 luật khác nhau; cũng như đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho phù hợp.

Tiếp thu ý kiến góp ý tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kỳ vọng lần sửa đổi này sẽ giải quyết được nhiều tồn tại, tiếp cận nhiều kinh nghiệm quốc tế trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế thị trường. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết những ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu vừa mang tính chất nghiên cứu vừa có ý nghĩa thực tiễn là những thông tin quý giá để giúp cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện nhiều nội dung của dự thảo Luật cũng như có thêm thông tin để Ủy ban tiến hành thẩm tra.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=37062