Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Chuyên gia hiến kế 'tuyển nhân sự'

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc lựa chọn nhân sự cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần triển khai từng bước. Các vị trí quản lý thì nên 'nhắm' vào những người đang quản lý tại các bộ, ngành vì họ có kinh nghiệm, nắm rõ về doanh nghiệp.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, mô hình hoạt động của Ủy ban Quản ý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức được chốt. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý khối lượng tài sản và vốn nhà nước rất lớn tại doanh nghiệp.

Cty Cảng Hàng không Việt Nam sẽ thuộc sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Nguồn: Internet)

Hiện tại, vấn đề quan trọng đang nổi lên là nhân sự cho Ủy ban. Cùng với phương hướng hoạt động thì nhân sự là vấn đề chủ chốt quyết định Ủy ban hoạt động có hiệu quả hay không?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc lựa chọn nhân sự cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần triển khai từng bước. Nhân sự phải là những người có kinh nghiệm. Các vị trí quản lý thì nên “nhắm” vào những người vốn đang quản lý tại các bộ, ngành vì họ có kinh nghiệm, nắm rõ về doanh nghiệp.

“Theo tôi, trước mắt Ủy ban chỉ nên làm một bộ khung, còn tuyển cán bộ để vận hành thì cần phải từng bước. Ủy ban cũng mới thành lập nên chức năng nhiệm vụ chưa phải là quá khổng lồ.

Hiện các bộ chủ quản đều có bộ phận quản lý các doanh nghiệp. Nên đưa các đồng chí đó về Ủy ban. Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) có chức năng quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có thể chọn lọc nhân sự cho Ủy ban từ cơ quan này”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh phải lựa chọn người tốt, bố trí đúng người, đúng việc, không để kẽ hở cho việc tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, không đưa vào Ủy ban những cán bộ không đủ năng lực, chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị...

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các cán bộ được tuyển dụng về Ủy ban không thể vì có thâm niên công tác, có bằng cấp cao mà quan trọng là đã thực sự làm được gì trong lĩnh vực chuyên môn mà Ủy ban đang tuyển dụng.

“Ngay cả danh sách các cán bộ sau khi được tuyển dụng cúng phải được công khai kèm với bảng thành tích quá khứ được lượng hóa”, ông Cung trao đổi với báo chí.

Còn ông Vũ Đình Ánh cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng, hơn 20 doanh nghiệp thuộc về Ủy ban toàn là những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bây giờ quy về Ủy ban thì không biết kéo dài đến bao giờ mới cổ phần hóa, mà quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa là khác nhau.

“Ủy ban này là để thay thế cơ chế cũ, tức là thay thế bộ chủ quản. Cơ chế bộ chủ quản thì có một thời chúng ta đã muốn bỏ rồi. Thay vì nhiều bộ chủ quản thì nay chỉ còn 1 bộ chủ quản.

Cá nhân tôi cho rằng, Ủy ban sẽ phải đóng cả vai trò kinh doanh là chính chứ không phải chỉ quản lý. Phải gắn với điều này thì mới cần có sự thay đổi cơ bản, thay đổi về tổ chức bộ máy, con người, nhân sự...

Bản thân tôi ủng hộ sự thành lập Ủy ban. Tuy nhiên, đây mới chỉ một bước. Bước quan trọng tiếp theo là phải xác định được tính chất của Ủy ban. Là một bộ đơn thuần hay vượt lên thành một tổ chức kinh doanh quản lý vốn của nhà nước theo đúng nguyên tắc thị trường”, ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Hiện tại, theo dự thảo lần 1 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, ngoài chức danh Phó chủ tịch Ủy ban được quy định không quá 4 người, Ủy ban có thể có 10 đơn vị trực thuộc, gồm các vụ quản lý vốn tại doanh nghiệp nông nghiệp; doanh nghiệp công nghiệp chế tạo; doanh nghiệp năng lượng; doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông; doanh nghiệp xây dựng và hạ tầng; Vụ Chiến lược và phát triển; Quản trị tài chính và rủi ro; Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Tổ chức, nhân sự và đào tạo và Văn phòng Ủy ban.

Giả sử mỗi vụ có 10 người, thì tổng số nhân sự mà Ủy ban đang cần tuyển dụng có thể lên tới 150 người.

“Theo quan điểm của tôi, đầu tiên là kế thừa đã. Còn sau đấy khi đã ổn định bộ khung thì mới hoàn thiện về nhân sự. Ngoài ra, việc chọn lựa nhân sự còn phụ thuộc vào chức năng của Ủy ban nữa”, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh./.

Các doanh nghiệp khác thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ được chuyển về Ủy ban. Khối doanh nghiệp nhà nước được chuyển giao về "siêu ủy ban" đều có quy mô vốn và tài sản lớn, ước tính khoảng 5,4 triệu tỉ đồng, gồm: TCty Viễn thông MobiFone. TCty Thuốc lá Việt Nam ước tính tổng tài sản hơn 16.490 tỉ đồng, TCty Hàng không Việt Nam,TCty Hàng hải Việt Nam ước tính tổng tài sản trên 30.965 tỉ đồng, TCty Đường sắt Việt Nam, TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, TCty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long,TCty Cảng Hàng không Việt Nam...

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-chuyen-gia-hien-ke-tuyen-nhan-su-283161.html