Ủy ban Quản lý vốn nhà nước: Quy mô lớn kèm thách thức lớn

Sau rất nhiều nỗ lực, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 10. Kỳ vọng lớn của Đảng, Chính phủ và công chúng đối với Ủy ban đang tạo ra áp lực đòi hỏi cơ quan này phải nhận diện và vượt qua được nhiều thách thức. Thách thức năng lực kỹ trị

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện quản lý kinh tế trung ương, người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định về chức năng, hoạt động của Ủy ban với 7 lần dự thảo, nhìn nhận, thách thức lớn nhất của Ủy ban là làm sao xây dựng bộ máy, cán bộ tinh gọn, hiệu quả;

Quy định cụ thể rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, vị trí tuyển dụng và đào tạo cán bộ có đủ năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp và quản lý vốn theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến.

Nhưng "củ cà rốt" mà Ủy ban có trong tay lại khá khó khăn cho công tác tuyển dụng người tài. Đơn cử, chế độ lương thưởng áp dụng với cán bộ của Ủy ban là thang bậc lương dành cho các cơ quan nhà nước (tuy đã được nâng cấp tương đương cấp bộ).

Mức đãi ngộ này thấp xa so với mặt bằng thu nhập của những nhân sự có chuyên môn cao về quản lý vốn, quản lý tài sản đang được các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính áp dụng trên thị trường.

Nói như vậy, theo ông Hiếu, không có nghĩa Ủy ban không thể thu hút được người tài, nhưng ngoài môi trường phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến, sẽ thực sự khó cho Ủy ban trong câu chuyện thu hút chất xám.

Đây cũng chính là e ngại về việc có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tình trạng sân trước sân sau trong kinh doanh. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói rằng, phải rất cẩn trọng trong công tác cán bộ vì khi quyền lực rất lớn, ranh giới về sự công tâm là vô cùng mong manh.

Cuộc chiến với giấy phép con, với những lời gửi gắm làm ăn và tham nhũng vặt tại các cơ quan hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp đang rất gian nan đã cho thấy điều đó.

Thách thức về tính minh bạch, công tâm

Có thể thấy ngay một trong những vấn đề nan giải mà Ủy ban phải giải quyết là phân định chức năng kinh doanh và chức năng công ích mà doanh nghiệp nhà nước lâu nay vẫn phải gánh vác.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN, một trong những tập đoàn sẽ chuyển giao về Ủy ban đề xuất, bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, mục tiêu thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của doanh nghiệp nhà nước cần được nghiên cứu, xem xét để đảm bảo khi chuyển giao không ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ được chia thành 2 nhóm: Nhóm các doanh nghiệp vì mục tiêu công ích, an ninh quốc phòng và nhóm các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu kinh doanh thương mại thuần túy.

Đây cũng là thách thức lớn mà Ủy ban Quản lý vốn của Trung Quốc là SASAC đang phải giải quyết. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tái cơ cấu lại SASAC theo hướng tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị doanh nghiệp, thông qua 2 mô hình công ty đầu tư vốn nhà nước trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại và công ty điều hành vốn nhà nước trong các lĩnh vực công ích và an ninh quốc phòng.

Các doanh nghiệp nhà nước sẽ được chia thành 2 nhóm: Nhóm các doanh nghiệp vì mục tiêu công ích, an ninh quốc phòng ( các công ty điều hành vốn nhà nước);

Nhóm các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu kinh doanh thương mại thuần túy, từ đó gia tăng vốn nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế ( các công ty đầu tư vốn nhà nước), sẽ vận theo mô hình tương tự như Temasek của Singapore, sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn. Đây là một phương thức để tách rời các mục tiêu chính trị và kinh doanh.

Cũng có những e ngại về vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban như là một Hội đồng thành viên cho tất cả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty do Ủy ban quản lý. Khác với SCIC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và chỉ là một cổ đông nhà nước, có những cổ đông khác đối trọng trên thị trường,

Ủy ban là cơ quan hành chính nhà nước nên không chịu các ràng buộc về công khai, minh bạch trong điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đây là nguy cơ tạo môi trường, cơ hội cho lợi ích nhóm, cho sự lãng phí, tham nhũng xuất hiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ủy ban quản lý tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc đã mắc phải căn bệnh trầm kha này giai đoạn trước 2015 buộc Trung Quốc phải tái cơ cấu lại thông qua mô hình thành lập các công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Theo Tinnhanhchungkhoan.vn

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/uy-ban-quan-ly-von/201810/uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-quy-mo-lon-kem-thach-thuc-lon-617092/