ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH CÀ MAU VỀ THỰC HIỆN LUẬT CƯ TRÚ

Ngày 20/7, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, khảo sát thi hành một số quy định của Luật Cư trú trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện UBND tỉnh Cà Mau, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đỗ Chí Công cho biết, với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh chủ trương mở cửa thu hút đầu tư, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư và số lượng lớn dân cư từ nơi khác đến sinh sống, làm việc. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn như đăng ký hộ tịch, thủ tục cấp các loại giấy tờ tùy thân, đi lại, thủ tục để được cấp bảo hiểm y tế, sang tên, chuyển nhượng tài sản là nhà, đất, các bất động sản có giá trị khác, thủ tục đăng ký chủ sở hữu các phương tiện tham gia giao thông, đăng ký để được cấp điện, nước, điện thoại, internet, nhập học cho trẻ, vay vốn ngân hàng… gặp khá nhiều khó khăn khi người dân sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy.

Quang cảnh buổi làm việc

Khi bị mất sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, công dân không thể thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch dân sự nêu trên. Để thực hiện các thủ tục hành chính này, công dân phải đến cơ quan công an để đề nghị cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Điều này phải mất thời gian, công sức và chi phí. Nhiều trường hợp công dân không thể thực hiện được các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự do chủ hộ không đưa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc gây khó dễ, thậm chí đặt điều kiện, vòi vĩnh nếu muốn chủ hộ đưa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Trường hợp thông tin cá nhân trong các loại giấy tờ không trùng khớp với thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì công dân cũng không thể thực hiện được các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự cần thiết khác.

Từ tháng 8.2018 đến nay, cơ quan tư pháp trong tỉnh đã cấp 31.150 số định danh cá nhân cho trẻ em. Hiện còn 1.343.882 công dân chưa được cấp số định danh cá nhân do chưa triển khai công tác cấp căn cước công dân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều trường hợp người dân ra nước ngoài để định cư nhưng chính quyền địa phương không thực hiện xóa đăng ký thường trú được do người thân không cung cấp giấy tờ chứng minh người thân của họ đã định cư ở nước ngoài nên không có cơ sở lập thủ tục xóa đăng ký thường trú. Nhiều trường hợp chuyển nơi ở mới nhưng trong quá trình chuyển hộ khẩu, nhân khẩu bị thất lạc phiếu thông tin hoặc có nhiều thiếu sót trong việc ghi địa chỉ sinh sống mới của công dân. Nhiều trường hợp người dân không có giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở ổn định nên việc gửi phiếu xác minh trao đổi thông tin giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước đó, Đoàn công tác đã có cuộc làm việc với UBND huyện Trần Văn Thời, khảo sát về tình hình thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn.

Đại diện UBND huyện Trần Văn Thời đề xuất, đối với trường hợp xóa đăng ký thường trú, nếu đã được đăng ký thường trú ở nơi mới, đề nghị cơ quan cấp thường trú gởi thông báo ngay đến cơ quan cấp phiếu chuyển đi để xóa đăng ký thường trú ở nơi cũ. Trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lần này nên quy định thời gian cho bộ phận tư pháp địa phương xóa đăng ký ở nơi cũ khi người dân đến xin cấp giấy chuyển đi.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47070