Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa trong 3 lĩnh vực nông nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp toàn thể lần thứ 29, sáng 1-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về việc quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng chủ trì và điều hành.

Chính phủ dự kiến quy định mức phạt tiền tối đa với cá nhân trong 3 lĩnh vực là hoạt động chăn nuôi với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi với mức phạt tối đa là 100 triệu đồng và canh tác với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.

Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu nhìn chung đều nhất trí với sự cần thiết quy định mức phạt tiền tối đa với 3 lĩnh vực nêu trên để có cơ sở quy định mức phạt tiền cụ thể cho từng loại hành vi vi phạm.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn, quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có trùng lắp với quy định trong lĩnh vực môi trường hay không. Nếu sản phẩm xử lý chất thải đưa vào thức ăn thì đã có quy định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nếu sản phẩm xử lý chất thải sử dụng sau khi vật nuôi thải ra môi trường thì đã có quy định trong lĩnh vực môi trường.

 Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nói, quy định này sẽ chỉ áp dụng cho sản phẩm xử lý chất thải đưa vào thức ăn, nước uống của vật nuôi nên không trùng lắp với lĩnh vực môi trường. Luật Đầu tư hiện hành quy định sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất chế phẩm môi trường là hai lĩnh vực khác nhau và đều là lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được đưa vào thức ăn, nhưng không phải là thức ăn chăn nuôi vì không phải là chất dinh dưỡng. Do đó, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa có quy định xử phạt.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận cho thấy, các ý kiến cơ bản đều đồng ý với việc Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định mức phạt tiền tối đa trong những lĩnh vực mới và Chính phủ cần thiết ban hành nghị định quy định về xử phạt vi phạm trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực chuyên môn rất sâu, nên cơ quan soạn thảo cần giải trình kỹ càng hơn, cung cấp nhiều thông tin hơn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn về lĩnh vực xử phạt. Luật Chăn nuôi quy định rõ 6 lĩnh vực trong chăn nuôi gồm: Giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi và chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, hoạt động chăn nuôi gồm những lĩnh vực nào trong 6 lĩnh vực mà Luật Chăn nuôi điều chỉnh.

Về mức tiền phạt tối đa, Ủy ban Pháp luật tán thành mức phạt tiền tối đa 100 triệu đồng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; tán thành mức phạt tiền tối đa 50 triệu đồng trong lĩnh vực canh tác.

Riêng mức phạt trong lĩnh vực hoạt động chăn nuôi, Ủy ban Pháp luật viện dẫn nội dung của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ mười) về mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chăn nuôi là 100 triệu đồng. Trong khi đó, Chính phủ lại đề xuất mức phạt tối đa trong lĩnh vực hoạt động chăn nuôi là 50 triệu đồng. Hai đề xuất trong hai văn bản như vậy là chưa thống nhất, nên cần giải trình rõ hơn về nội dung này.

Cùng với đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội đang xem xét để bảo đảm sự thống nhất, tránh trường hợp nghị định vừa ban hành ra lại phải sửa đổi cho phù hợp với luật sau khi được Quốc hội thông qua.

* Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/uy-ban-phap-luat-cho-y-kien-ve-muc-phat-tien-toi-da-trong-3-linh-vuc-nong-nghiep-633636