Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN) tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương, được thành lập ngày 23/11/1959, là đơn vị cấp Tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

Tập thể Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Với chủ trương nhất quán, xác định cộng đồng NVNONN “là một bộ phận không thể rách rời” của dân tộc Việt Nam và là nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao, coi đây là công tác dân vận đặc biệt và là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Ngoại giao và sự vào cuộc chủ động, tích cực của các đơn vị chức năng, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành công, đột phá mới trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó, hướng về quê hương và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm triển khai sâu rộng, toàn diện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với NVNONN trong tình hình mới, trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Ủy ban NNVNVNONN đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, địa phương, tích cực tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện những chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung triển khai có hiệu quả việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thu hút nguồn lực kiều bào và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng thời, chủ động ký và triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác với nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí đã tạo sự nhất quán về chủ trương, chính sách, làm cho kiều bào ngày càng tin tưởng vào thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào thu hút sự tham gia đông đảo của kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm. Những hoạt động này rất thiết thực, ý nghĩa, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đóng góp tích cực cho hòa hợp dân tộc, phản ánh đúng nguyện vọng hướng về quê hương. Từ năm 2009 đến nay, chương trình “Xuân Quê hương” đã được mở rộng về quy mô với sự tham dự đông đảo của kiều bào (từ 300 - 500 người như trước đây nay tăng lên 800 - 1000 người).

Từ năm 2012, Ủy ban đã tổ chức liên tục 09 đoàn kiều bào hàng năm thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự; các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức trên khắp các châu lục, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Công tác thu hút nguồn lực kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh được tiến hành thường xuyên. Ủy ban đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tạo diễn đàn cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, doanh nhân trong nước và các địa phương gặp gỡ, giao lưu, tăng cường hợp tác. Tình hình đầu tư của kiều bào về nước ổn định, hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.

Ủy ban đã tham mưu, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách mới nhằm thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước làm việc, giảng dạy, hợp tác, nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức, chuyên gia về nước làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tạo diễn đàn cho trí thức kiều bào đóng góp về những vấn đề lớn của đất nước. Tăng cường hỗ trợ các địa phương thu hút nguồn lực tri thức, tài chính của kiều bào nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho kiều bào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp kiều bào có cách nhìn sát thực, khách quan về tình hình đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tình hình biển đảo, biên giới lãnh thổ, về chính sách tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, qua đó cơ bản giải tỏa được nhiều băn khoăn, hoài nghi của cộng đồng, giúp kiều bào an tâm, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước và ngày càng hướng về quê hương. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa để đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên đã trở thành cầu nối để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới người dân sở tại và bạn bè quốc tế. Hỗ trợ phong trào dạy và học tiếng Việt trên khắp các châu lục, nâng cáo ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt và văn hóa truyền thống dân tộc.

Ủy ban đã chủ động phối hợp với các đơn vị đưa vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào trở thành một nội dung quan trọng trong các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tích cực hỗ trợ bà con củng cố địa vị pháp lý thông qua việc ký kết 160 điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Tập trung hỗ trợ các cộng đồng gặp nhiều khó khăn ở Đông Nam Á, một số nước Đông Âu và châu Phi, góp phần tạo sự an tâm, bình ổn trong cộng đồng để bà con yên tâm sinh sống, học tập và làm việc.

Với những thành tích xuất sắc, Ủy ban NNVNVNONN đã được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” năm 2009, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2009; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 và năm 2014, Huân chương Độc lập hạng Nhất lần hai năm 2019; Đảng bộ luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

QT.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/uy-ban-nha-nuoc-ve-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-gop-phan-cung-co-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-122314.html