Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp: Sáng tạo mới, đột phá mới

Nhân dịp đầu năm 2018, PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp Đặng Thị Mỹ Cẩm về những kết quả nổi bật trong năm qua, đồng thời chia sẻ về các hoạt động, những cách làm mới trong năm 2018.

Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp Đặng Thị Mỹ Cẩm (bìa phải) tham quan hội chợ hàng Việt của tỉnh Đồng Tháp.

PV: Được biết năm qua UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp có nhiều đổi mới về nội dung lẫn phương thức hoạt động bà có thể chia sẻ sâu hơn về điều này?

Bà Đặng Thị Mỹ Cẩm: Phát huy trí tuệ tập thể, kết hợp yếu tố tư duy nhạy bén, quyết đoán, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp thực hiện thành công nhiều hoạt động của MTTQ, nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực như: Tổ chức Lễ phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020 tại TP Sa Đéc, với qui mô hơn 1.000 người dự, đồng thời phát thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thông chuyển tải đến khắp các KDC trên địa bàn tỉnh. Sau lễ phát động, Ban Thường trực UBMTTQ của 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động tại địa phương, thu hút trên 15.000 người tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi ở các KDC. Sau lễ phát động, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 14 chiếc cầu bê tông, 8 tuyến đường giao thông nông thôn, 2 công trình nước sạch vùng biên giới, trao bảng tượng trưng 120 căn “Nhà tình thương”, 50 căn nhà “Tình đồng đội”… Tổng kinh phí các hoạt động trên 123 tỷ đồng.

Lần đầu tiên, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh có sáng kiến xây dựng chương trình “Chuyến xe ngày Tết”, thăm, tặng quà gần 2.000 hộ chính sách tiêu biểu và hộ nghèo (mỗi suất 500.000 đồng), trị giá trên 1 tỷ đồng; tổ chức “Chuyến xe tri ân”, thăm tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh, trị giá trên 300 triệu đồng, mang ý nghĩa rất nhân văn đồng thời đã tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội.

Thực hiện tốt công tác đối ngoại, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, giao lưu hợp tác với các tỉnh bạn Campuchia.

Phối hợp với các ngành liên quan triển khai, hướng dẫn tốt công tác giám sát và phản biện; phối hợp thực hiện thí điểm công tác vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; hướng dẫn tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân, đảm bảo khách quan và phản ánh đúng thực chất đề nghị Chính phủ công nhận Thành phố Sa Đéc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác giám sát không dàn trải, mà thực hiện có nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2017, UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả, bà hãy chia sẻ với Đại Đoàn Kết để cùng nhân rộng?

- Theo tôi, mục tiêu cuối cùng, thước đo của công tác Mặt trận chính là đời sống người của dân được thay đổi như thế nào, ý thức của người dân biến chuyển ra sao, rồi tình làng nghĩa xóm có gắn chặt, gắn kết với nhau không, có giúp nhau cùng phát triển không?.

Năm 2017, Đảng đoàn Mặt trận đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giám sát chuyên đề về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Thành ủy TP. Sa Đéc trong thực hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận thống nhất trong tình hình hiện nay. Đây là chuyên đề giám sát mới đầu tiên của Mặt trận từ trước tới nay được cấp trên đánh giá rất cao. Năm tới cũng nhiệm vụ này chúng tôi sẽ giám sát tại huyện Tháp Mười (đây là huyện đầu tiên phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh trong năm 2020 – PV). Cái mới căn cơ hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đó là năm nay chúng tôi đã tập hợp các tài liệu chỉ đạo từ trung ương đến địa phương đóng thành cuốn gửi cho các thành viên trong đoàn và phát cho MTTQ các huyện để nắm vững về kiến thức cơ bản, căn cơ của công tác Mặt trận, hiểu hơn về công tác Mặt trận cũng như sự quan tâm của Trung ương tới địa phương trong công tác này.

Trong các hoạt động của Mặt trận còn thường xuyên phối hợp, kết hợp trong công tác đối ngoại, hay tổ chức sự kiện đều lồng ghép quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp và các mô hình khởi nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh của các địa phương và tỉnh nhà.

Mặt trận có nhiều sáng kiến, nội dung mới, ý tưởng sáng tạo nhằm đổi mới hoạt động của Mặt trận sát với yêu cầu thực tiễn (Cây nước sạch vùng biên – mô hình được TP Hồ Chí Minh nhân rộng thực hiện trong toàn quốc, khảo sát sự hài lòng của người dân phục vụ cho ngày hội Đại đoàn kết…); phát huy tốt công tác đối ngoại mang nguồn lực về cho tỉnh và địa phương trong công tác an sinh xã hội và cho người nghèo hiệu quả (trong năm riêng Mặt trận tỉnh vận động 32,1 tỷ đồng/447 tỷ đồng của cả hệ thống Mặt trận), được Mặt trận Tổ quốc các tỉnh và Trung ương đánh giá cao, đồng thời, phấn đấu tạo niềm tin và là địa chỉ tin cậy của các đơn vị, nhà tại trợ, mạnh thường quân…; Chủ trương xây dựng các công trình an sinh xã hội trọng điểm của Mặt Trận đều có cân nhắc về ý nghĩa chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại trong năm để tuyên truyền và giáo dục truyền thống (cầu Rạch Ruộng…).

Năm nay còn cái mới nữa đó là chúng tôi đã vận động được số tiền 15 tỉ đồng từ ngân hàng nông nghiệp, số tiền này được chúng tôi triển khai gắn với các công trình cụ thể của Mặt trận, kèm theo các hoạt động sự kiện. Điển hình là mới đây Mặt trận đã tài trợ xây dựng cây cầu mang tên Mai Văn Đâu, ông là tấm gương điển hình làm từ thiện của người phật giáo Hòa Hảo ở địa phương. Cây cầu trị giá trên 2 tỷ đồng, Mặt trận hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, đây là một trong những cây cầu đẹp nhất của tỉnh Đồng Tháp.

Được biết, năm nay, Đồng Tháp bội thu các mô hình. Bà hãy chia sẻ về những mô hình nổi bật mà UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp thực hiện thưa bà?

- Đến nay chúng tôi đã xây dựng được khoảng trên 60 mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện tốt các phong trào địa phương, giảm nghèo vươn lên phát triển.

Đầu tiên phải kể đến mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”, hoạt động của Tổ góp phần nâng cao vai trò, tính tích cực, khơi dậy sức dân, chung tay xây dựng khu dân cư hoàn thiện về mọi mặt; được sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện của nhân dân. Đây là mô hình với phương thức mới được lãnh đạo UBTƯMTTQ Việt Nam đánh giá rất cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương nhân rộng trên địa bàn tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn dân cư, với tổng số 12.641 Tổ.

Để vận động và giáo dục người dân biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, Đồng Tháp nổi lên với Mô hình “Quỹ tiết kiệm mùa Xuân”, các thành viên muốn tham gia vào Tổ lúc nào cũng được, số tiền gửi tiết kiệm không ấn định, tùy khả năng tích lũy, không phân biệt giới, thành phần, lứa tuổi…

MTTQ còn phối hợp với các tổ chức tôn giáo như với Đạo Cao Đài, thành lập Mô hình “Gia đình an toàn – Hạnh phúc – Đạo hạnh”, góp phần vận động các tầng lớp nhân dân và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, gắn với các mô hình bảo vệ an ninh trật tự ở địa bàn dân cư. Mô hình này cũng đã nhân rộng ra các đơn vị có nhiều tín đồ tôn giáo. Phối hợp với Đạo Hòa Hảo thành lập Mô hình “Xóm đạo bình yên”, “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với an toàn giao thông”.

Với đặc thù là tỉnh có đường biên giáp với nước bạn Campuchia nên UBMTTQ tỉnh đã chủ động thành lập Mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”. Đến nay trên địa bàn 8 xã biên giới, đã thành lập được 24 Tổ.

Ngoài ra, còn có các mô hình nổi bật khác hoạt động rất hiệu quả như: Câu lạc bộ các tín đồ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”; “Quỹ tấm lòng nhân ái”; “Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc”; “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới”; Câu lạc bộ “Gia đình có người hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài”; Cà phê pháp luật; hùn vốn cất nhà kiên cố - bán kiên cố; Tủ áo từ thiện...

Trong năm 2018, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp có những điểm mới nổi bật nào thưa bà?

- Năm 2018, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh đặt quyết tâm đổi mới đầu tiên chính là nội dung, phương thức hoạt động MTTQ với nhiều sáng tạo mới, đột phá mới, tập trung ở một số nhiệm vụ trọng tâm.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”. Đổi mới công tác phối hợp thực hiện chương trình liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2017 – 2020 và đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch phối hợp hỗ trợ huyện Tháp Mười (huyện điểm xây dựng nông thôn mới của Tỉnh) hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017 – 2020.

Tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên của UBTƯMTTQ Việt Nam giao, như hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; nâng cao chất lượng tổ chức “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2018 và “Tết vì người nghèo”, thực hiện nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn...

Chú trọng việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp chọn mô hình điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động mô hình “Tổ nhân dân tự quản” rộng khắp ở khu dân cư trong toàn tỉnh.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả và đảm bảo đúng theo đề án xác định ví trí việc làm của MTTQ Việt Nam.

Triển khai các công việc chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX...

Tổ chức tập huấn giám sát, phản biện xã hội; tổ chức hội thi Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Phối hợp triển khai Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đến năm 2020”.

Tiếp tục phát huy vai trò giới văn nghệ sỹ và tôn giáo; tuyên truyền, vận động nhân dân và tín đồ thực hiện các cuộc vận động, chương trình, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn bà!

Quốc Trung – Trần Thắng
(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-dong-thap-sang-tao-moi-dot-pha-moi-tintuc394813