Ủy ban Kinh tế: 'Việc cho kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ vướng quy định của Hiến pháp'

'Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước', Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Ủy ban Kinh tế: ‘Việc cho kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ vướng quy định của Hiến pháp’ (ảnh minh họa)

Ủy ban Kinh tế: ‘Việc cho kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ vướng quy định của Hiến pháp’ (ảnh minh họa)

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP).

Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo này là về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 86 dự thảo luật).

Điều 86. Hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP

1. Trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật về kiểm toán nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

2. Sau khi ký kết hợp đồng, kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP, bao gồm:

a) Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có)quy định tại Điêù73 của Luật này,hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điêù71 của Luật này, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 46của Luật này;

b) Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 về việc Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP. Một số ý kiến lại cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng bản chất là dự án PPP nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan.

Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp.

Do đó, Ủy ban Kinh tế dự kiến tiếp thu, sửa đổi bổ sung quy định về hoạt động kiểm toán nhà nước thực hiện ở hai giai đoạn.

Giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Giai đoạn sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP. Giai đoạn này bao gồm hai hoạt động:

Hoạt động thứ nhất là Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động (kiểm toán theo đầu ra) để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án PPP trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Hoạt động thứ hai là kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 73 của dự thảo luật; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 71 của dự thảo luật; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 46 của dự thảo Luật.

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh bên cạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, tại khoản 4 Điều 62 cũng đã xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP; tại Chương VIII của dự thảo luật cũng đã quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.

Ngoài nội dung trên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nói tới vấn đề điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP (Điều 19 dự thảo luật). Theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại quy định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi tổng mức đầu tư tăng 20% trở lên, vì cho rằng mức này quá cao.

Điều 19. Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP

1. Chủ trương đầu tư dự án PPPđược điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, loại hợp đồng dự án PPP, tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP hoặc tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên trong các trường hợp sau:

a) Dự án bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng;

b) Quy hoạch, chính sách pháp luật có liên quan thay đổi;

c) Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi;

d) Trường hợp khác theo quy định của luật có liên quan.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế xin đề xuất 2 phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1 (phương án ưu tiên): sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP tại khoản 1 Điều 19, trong đó có trường hợp tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên, vì quyết định chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với các nội dung đánh giá sơ bộ, do vậy các thông tin, số liệu có thể thay đổi, tuy nhiên, mức thay đổi tăng tổng mức đầu tư không được quá lớn;

Đồng thời, để hạn chế việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần và tránh thủ tục phức tạp, kéo dài, nếu tổng mức đầu tư tăng không quá 10% thì không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP. Dự thảo luật cũng quy định phải điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.

Phương án 2: khi tổng mức đầu tư dự án PPP tăng so với tổng mức đầu tư đã được quyết định tại bước chủ trương đầu tư dự án thì phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư vì việc tăng tổng mức đầu tư sẽ làm thay đổi phương án tài chính cũng như hiệu quả của dự án PPP, do đó làm mất ý nghĩa và tính chính xác trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Quy định như vậy cũng nhằm tăng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lập, trình dự án PPP đối với cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công khi cả 2 luật này đều có chung mục tiêu là phục vụ mục đích công.

Ngoài ra, quy định tăng không quá 10% tổng mức đầu tư mà không phải điều chỉnh là không đủ căn cứ, trong khi sơ bộ tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu tiền khả thi đã bao gồm cả chi phí dự phòng.

Vĩnh Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/uy-ban-kinh-te-viec-cho-kiem-toan-toan-bo-du-an-ppp-se-vuong-quy-dinh-cua-hien-phap-20180504224236340.htm