Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Theo mô hình nào cũng phải đảm đảm tính độc lập

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó, những quy định liên quan đến địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được nhiều ý kiến đóng góp

Trước khi bước vào phần thảo luận, đại diện cho Cơ quan thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh – cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 7, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau liên quan đến địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm quy định Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời bổ sung thêm một số quyền nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật (Ảnh: Quochoi.vn))

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm quy định Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời bổ sung thêm một số quyền nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật (Ảnh: Quochoi.vn))

Thứ nhất, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ. Trong khi đó, nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, mô hình Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đặt nặng vấn đề phải theo mô hình nào mà cho rằng, dù là mô hình nào thì cũng cần phải đảm bảo tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong hoạt động để có đủ thẩm quyền quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.

Trong Báo cáo của mình, Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra một số phương án. Cụ thể, phương án thứ nhất, cũng chính là phương án đã được Chính phủ trình theo hướng quy định Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, song có bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ; phương án hai là Ủy ban Chứng khoán nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng được tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đối với các sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký.

Và phương án ba, là mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ. Với phương án này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của sở giao dịch và tổng công ty lưu ký, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường, bảo đảm tính độc lập theo nguyên tắc của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), thực hiện được khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khởi xướng, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập sẽ giúp cho việc quản lý thống nhất, chủ động về tổ chức nhân sự, ngân sách… nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực và góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lựa chọn theo phương án này sẽ làm phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ, do đó, cần tiếp tục xem xét, tiếp thu các ý kiến để có lựa chọn phù hợp nhất.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế và cho rằng dự thảo luật đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - đề nghị lưu ý đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cần phải rà soát thật kỹ để tránh xung đột pháp lý, gây ra những rắc rối cho thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm như tại kết luận của Phiên họp thứ 33 về địa vị pháp lý nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán. Theo đó, quy định Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính, đồng thời bổ sung thêm một số quyền nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật và các quy định của Đảng và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến rõ ràng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-theo-mo-hinh-nao-cung-phai-dam-dam-tinh-doc-lap-123698.html