Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ?

Trong phiên thảo luận tại hội trường lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Chứng khoán, có không ít đại biểu băn khoăn về yêu cầu thay đổi mô hình tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nên trực thuộc Bộ Tài chính như hiện hành hay trực thuộc Chính phủ.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên giữ như quy định hiện hành. Vì, việc giữ như quy định hiện hành nhằm bảo đảm tính tuân thủ các nghị quyết của Đảng, đã nhấn mạnh việc sắp xếp lại bộ máy không được làm tăng thêm đầu mối, tăng biên chế, trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một quan điểm xuyên suốt là không tăng thêm biên chế, không tăng thêm bộ máy. Nếu hiện nay chúng ta tách Ủy ban Chứng khoán thành một cơ quan độc lập thì điều đó đồng nghĩa với việc tăng thêm đầu mối, tăng thêm biên chế, tăng chi ngân sách cho bộ máy.

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với mô hình như hiện nay, Ủy ban Chứng khoán những năm qua trong hoạt động đã có bước tăng trưởng đáng kể. Kết thúc năm 2018, quy mô thị trường vốn hóa cổ phiếu đã đạt mức là 71,9%, tăng 1680 lần so với năm 2003. Như vậy, căn cứ để cần thiết thay đổi là chưa đầy đủ”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường chứng khoán luôn gắn liền với chính sách tài khóa. Nếu giữ như mô hình hiện nay thuộc Bộ Tài chính thì đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đồng thời cũng đảm bảo tính nhất quán trong thực thi các chính sách tài khóa.

Tuy nhiên, không ít đại biểu lại đồng tình với qui định Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến về Dự án Luật chứng khoán (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) phát biểu ý kiến về Dự án Luật chứng khoán (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, để xác định vị trí, vai trò của Ủy ban Chứng khoán nhà nước lên đặt ở cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hay Bộ Tài chính thì cần phải xem hàng hóa ở trên thị trường chứng khoán thuộc phạm vi điều chỉnh của những cơ quan nào?

“Nếu như chúng ta đứng trên quan điểm Chính phủ muốn mở rộng hàng hóa trên thị trường chứng khoán để đa dạng hóa nhiều lĩnh vực kể cả là dầu khí, về công nghiệp, về xây dựng, về nông nghiệp... đều có thể đưa các sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán, khi đấy vai trò quản lý điều tiết hàng hóa trên thị trường không còn dừng lại về phía Bộ Tài chính, có lẽ phải là cơ quan lớn hơn để quản lý bao quát toàn bộ sản phẩm này”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) tán thành với ý kiến thứ nhất của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần độc lập, trực thuộc Chính phủ theo những phân tích trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán các nước và khu vực đã tạo khoảng cách đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự cần thiết sửa Luật Chứng khoán nhằm tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế khi hiện nay có đến 121/128 quốc gia thành viên EOSIO có vị trí độc lập.

“Sau hơn 10 năm triển khai luật thì tăng cả về số công ty niêm yết và số vốn huy động, cho thấy thị trường chứng khoán đã ổn định, quy mô thị trường chứng khoán đã đủ lớn để ra riêng. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật và chứng khoán hoàn chỉnh và đầy đủ hơn thì quy mô vốn còn lớn hơn nữa.

Do đó, đã đến lúc tách chức năng quản lý nhà nước về tài chính ra khỏi các tổ chức dịch vụ, tổ chức trung gian tài chính, để đạt mục tiêu sứ mệnh của thị trường chứng khoán là kênh quyết định huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở mức 71,6% GDP như hiện nay”, đại biểu nói.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho hay, theo thông lệ quốc tế Ủy ban Chứng khoán nhà nước theo mô hình độc lập thuộc Chính phủ, đây cũng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển.

Đai biểu cũng đề nghị Dự thảo luật cần quy định các nguyên tắc, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Ủy ban Chứng khoán nhà nước cụ thể và phù hợp với từng loại hình theo lộ trình phát triển tại dự thảo luật để tạo cơ sở cho Chính phủ cụ thể hóa khi tổ chức thực hiện.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-se-la-co-quan-doc-lap-truc-thuoc-chinh-phu-152172.html