Ủy ban Chống tham nhũng Liberia gặp khó vì… chậm lương

Tại một cuộc họp báo mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Liberia (LACC), ông Jerome Verdier, vừa bày tỏ sự phiền lòng về tốc độ giải ngân chậm chạp của Bộ Tài chính Kế hoạch phát triển (MFDP) đối với LACC.

Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Liberia (LACC), ông Jerome Verdier. Ảnh: FPA

Ông Verdier cho biết, LACC có trách nhiệm điều tra các cá nhân liên quan tới những hành vi tham nhũng ở Liberia. Tuy nhiên, theo quy định, LACC sẽ nhận được phân bổ lương và các quỹ hoạt động định kỳ 3 tháng 1 lần.

Việc chậm trễ phân bổ ngân sách khiến lòng tự trọng của LACC bị tổn thương, ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng tại Liberia.

“LACC phải hoạt động trong tình trạng khổ sở trong khi phải chờ đợi hơn 8 tháng kể từ tháng 10/2017 để nhận được khoản tiền cho các hoạt động. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới lòng tự trọng và tính liêm chính của bất kỳ tổ chức nào, cũng như làm suy yếu quyền tự chủ, độc lập của họ", Chủ tịch LACC chia sẻ và cảnh báo: "Điều này không nên để xảy ra, không chỉ với LACC, mà còn với bất kỳ tổ chức nào được phân hạng là tổ chức liêm chính".

Lãnh đạo LACC khuyến cáo rằng, cán bộ của các tổ chức chống tham nhũng cần phải được thực thi nhiệm vụ mà không phải chịu bất cứ lo sợ về mất việc làm hay phân bổ tiền ngân sách.

“Họ nên được hỗ trợ đầy đủ và được tôn trọng bởi người đứng đầu Chính phủ để theo đuổi nhiệm vụ của mình. Lòng trung thành của họ với Chính phủ và người dân Liberia nên là điều quan trọng nhất", ông Verdier nhấn mạnh.

Cũng trong buổi họp báo, Chủ tịch LACC đã gián tiếp đưa ý kiến tranh luận với Tổng thống George Weah xung quanh việc bãi bỏ một số vị trí đang trong nhiệm kỳ, trong đó bao gồm vị trí của ông ở LACC.

Trước đó vài tuần, Tổng thống đã chuyển một dự luật tới Cơ quan lập pháp, dự luật sẽ cho phép hủy bỏ/ bãi bỏ tất cả các vị trí đang trong nhiệm kỳ, chỉ ngoại trừ một số trường hợp, bao gồm: Ngân hàng Trung ương Liberia (CBL), Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) và Ủy ban Tổng Kiểm toán (GAC).

Ông Verdier cho rằng: “Sự bảo đảm cho nhiệm kỳ đối với các tổ chức quản lý mục tiêu nào đó không chỉ được quy định bởi pháp luật trong nước, mà còn được yêu cầu bởi các công ước quốc tế mà Liberia đã ký kết và gia nhập".

Ông cũng bày tỏ sự không đồng tình với Cơ quan lập pháp về cách mà họ mới đây đã nhanh chóng cho thông qua một số dự luật. Trong khi đó, 2 dự luật về bảo vệ nhân chứng và bảo vệ người tố cáo tiếp tục phải chờ đợi trong mòn mỏi kể từ khi được trình lên hồi năm 2017.

“2 dự luật này, khi được thông qua ban hành thành luật, sẽ thiết lập một chương trình bảo vệ và khuyến khích nhân chứng, người tố cáo, tố giác trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tội phạm kinh tế và tham nhũng... Do đó, chúng tôi đề nghị Tổng thống Liberia quan tâm tới việc thông qua các dự luật này... Chúng tôi cũng kêu gọi bạn bè, các đối tác của chúng tôi trên phương tiện truyền thông, tham gia chiến dịch để nhắc nhở các nhà lập pháp thông qua dự luật bảo vệ nhân chứng và người tố cáo", ông nói.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/quoc-te/uy-ban-chong-tham-nhung-liberia-gap-kho-vi-cham-luong_t238c1078n141700