Ưu tiên xác định chỉ giới đỏ và cắm mốc các tuyến hạ tầng khung

UBND TP đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ là thông tin được GĐ Sở Quy hoạch và kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII.

Quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ

Trình bày tham luận "Đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, triển khai chiến lược phát triển Thủ đô" tại Đại hội, ông Nguyễn Trúc Anh khẳng định, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, làm cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử, kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển.

Vì vậy, quy hoạch luôn được xác định là phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Công tác quy hoạch, phát triển đô thị luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo. Việc triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã đạt nhiều kết quả.

Một khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: P.Thảo

Một khu chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: P.Thảo

Cụ thể, về quy hoạch chung, trong tổng số 33 đồ án quy hoạch chung, đến nay UBND TP đã phê duyệt 32/33 đồ án, hoàn thành tổ chức công bố, bàn giao theo quy định. Còn đồ án Quy hoạch chung huyện Gia Lâm dừng để nghiên cứu thực hiện cùng việc điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực Bắc sông Hồng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu, đến nay UBND TP đã phê duyệt 27/35 đồ án, cơ bản đã hoàn thành tổ chức công bố, bàn giao theo quy định. Đồng thời, TP đã phê duyệt khoảng 206 đồ án Quy hoạch chi tiết, Thiết kế đô thị riêng (146 đồ án lập mới và 60 đồ án điều chỉnh tổng thể).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp thẩm quyền đã phê duyệt 10 đồ án Quy hoạch chi tiết, Thiết kế đô thị và tiếp tục thực hiện Quy hoạch chi tiết, các khu nhà ở xã hội tập trung; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và Bát Tràng.

Quy hoạch hệ thống Không gian ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đã được Thành ủy, UBND TP và Hội đồng thẩm định Quy hoạch Xây dựng TP thông qua. Hiện tại, Sở Quy hoạch và kiến trúc đang chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình phê duyệt…

Đối với 5 dự án khu nhà ở xã hội tập trung, hiện có 2 khu thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết, 2 khu đã được phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch ở huyện Gia Lâm và Thanh Trì, 1 khu còn lại ở huyện Đông Anh chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Đáng quan tâm, với các huyện dự kiến thành lập quận (Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh...), TP cũng đã ưu tiên triển khai công tác xác định chỉ giới đường đỏ và cắm mốc các tuyến hạ tầng khung.

UBND TP cũng đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ và giao bổ sung 2 khu chung cư cũ, nâng tổng số lên thành 30 khu. Đến nay, đã có 2 khu được duyệt, 3 khu đang lập đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 theo nhiệm vụ đã được duyệt, 3 khu nhà đầu tư trả lại hoặc thay đổi nhà đầu tư khác tiếp tục nghiên cứu; còn lại 22 đồ án đã báo cáo tập thể UBND TP ý tưởng Quy hoạch.

Còn khó khăn!

Theo GĐ Sở Quy hoạch và kiến trúc, có không ít những chồng chéo, vướng mắc, gây khó khăn cho thực hiện quy hoạch. Cụ thể như việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa nhận được sự đồng thuận, tháo gỡ, mất nhiều thời gian hoàn chỉnh như quy hoạch phân khu Ga Hà Nội, các quy hoạch phân khu khu nội đô H1, Quy chuẩn 4 quận hoặc phải chờ các quy hoạch liên quan để khớp nối, thống nhất (quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống phải chờ “Điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP”...).

“Do tính chất phức tạp của các đồ án quy hoạch, đặc biệt đối với các quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan ... thường kéo dài vì thế phần lớn các đồ án đều không đảm bảo thời gian lập quy hoạch theo quy định”, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Đáng nói, sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số Quy hoạch chưa cao, đặc biệt là các Quy hoạch về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang... hoặc các Quy hoạch mới, lần đầu triển khai thực hiện (TOD phân khu Ga) cũng chưa nhận được sự ủng hộ của người dân.

Bên cạnh đó, việc di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế đến nay chưa có kết quả, cơ sở cũ sau khi di dời không bàn giao cho TP để quản lý, khai thác sử dụng nên không bổ sung thêm được quỹ đất phục vụ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực.

Xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị

Để tạo thuận lợi cho việc quy hoạch, GĐ Sở Quy hoạch kiến trúc kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị trên toàn địa bàn TP. Đồng thời, lập đồng bộ các loại quy hoạch: Báo cáo rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Lập, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu. Tập trung phấn đấu phủ kín Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý (quy chế, quy chuẩn, chương trình phát triển đô thị...) để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, đô thị.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/uu-tien-xac-dinh-chi-gioi-do-va-cam-moc-cac-tuyen-ha-tang-khung-213892.html