Ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả

Nuôi tôm là ngành nghề chủ lực, thế mạnh của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân tại ĐBSCL đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, những mô hình hay, hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đưa ngành sản xuất tôm Việt Nam có một vị thế trên thế giới.

Đó là đánh giá của ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - tại Hội thảo về giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững do Tổng cục Thủy sản phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 17/9, tại TP. Sóc Trăng.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - phát biểu tại hội thảo

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến nuôi tôm nước lợ. Tình hình thế giới xuất hiện nhiều biến động, xung đột thương mại gia tăng, các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước là 689.516ha, trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 600.575ha, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 88.941ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn. Bên cạnh đó, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 606 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Về xuất khẩu, tính riêng 7 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu đạt 344 triệu USD (tăng 13% so cùng kỳ) và tôm xuất sang các thị trường chính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia…

Ông Tiền Ngọc Tiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 7 cho biết, 8 tháng năm 2019, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 17.500 ha, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch bệnh trên tôm giảm cả về phạm vi lẫn diện tích, nhưng Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới vẫn rất cao do các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi, diện tích thiệt hại có thể sẽ tăng mạnh do các điều kiện bất lợi.

Qua khảo sát thực tế cũng đã phát hiện có xảy ra mầm bệnh và tình trạng tôm chết do những nguyên nhân như là vi bào tử trùng, bệnh phân trắng. Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên ngành thú y, từ trung ương đến địa phương cũng đã thực hiện các biện pháp để tiến tới kiểm soát giảm thiệt hại cho bà con.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - nhấn mạnh, biến đổi khí hậu với những diễn biến phức tạp, thất thường sẽ là những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Do vậy, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp kỹ thuật phù hợp. Triển khai nhân rộng những mô hình hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như sản xuất theo chuỗi.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL cũng đang ở mức thấp, dao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg và từ 190.000 – trên 200.000 đồng/kg đối với tôm sú loại 30 con/kg. Nguyên nhân được cho là một số nước trong khu vực sản xuất tôm được mùa, giá thành sản xuất tại các nước thấp.

Trong khi tại Việt Nam, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu còn ở mức cao. Bên cạnh đó, một số nước siết chặt quản lý nhập khẩu, tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, trong khi nhiều doanh nghiệp của nước ta chủ quan, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phát biểu tại hội thảo, Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất tôm nước lợ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là vấn đề môi trường, dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số nước xung quanh đã ghi nhận nhiều hình thái dịch bệnh mới gây hại cho tôm. Vì vậy, rất cần có những dự đoán về thách thức mới cho ngành tôm nước ta, để có sự chủ động ứng phó trong thời gian tới, hướng đến sản xuất tôm bền vững và hiệu quả.

“Hiện nay đã có Luật Thủy sản mới, do đó các cơ quan chức năng cần kiểm soát, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra đối với vật tư đầu vào. Đối với những cơ sở, doanh nghiệp không đạt điều kiện thì phải kiên quyết không cho sản xuất tránh ảnh hưởng đến chất lượng chung. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phải giúp đỡ các cơ sở, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đưa ngành sản xuất tôm Việt Nam có một vị thế mới” - ông Luân cho biết thêm.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-de-phat-trien-nuoi-tom-nuoc-lo-hieu-qua-125372.html