Ưu tiên tăng chi cho an sinh xã hội

Điểm lại chính sách chi ngân sách trong thời gian qua có thể thấy, một điểm nổi bật đó là đã ưu tiên tăng chi đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo với tỷ trọng chi thường xuyên tăng mạnh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã có trên 10 triệu lượt học sinh được hỗ trợ học phí với tổng kinh phí khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2015, đã có trên 10 triệu lượt học sinh được hỗ trợ học phí với tổng kinh phí khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Chi an sinh xã hội không ngừng tăng

Trong giai đoạn 2011 - 2020, một trong những chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN) nổi bật là tập trung tăng chi đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo với tỷ trọng chi thường xuyên tăng mạnh, nhằm tăng chi phát triển con người (an sinh xã hội và cải cách tiền lương, bình quân 7%/năm).

Theo thống kê của Bộ Tài chính, về chi cho an sinh xã hội, nếu như năm 2012, tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015 con số này tăng lên trên 6,6% GDP và 2017 gần 8,58% GDP. Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng chính sách và các khoản chi dành cho lĩnh vực này không bị cắt giảm; các chính sách xã hội được thực hiện hiệu quả...

Bên cạnh đó, việc chi đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực hiện cải cách tiền lương, không ngừng tăng (năm 2013 tăng 60% so với năm 2010). Chi NSNN cho phát triển nông nghiệp và nông thôn hàng năm có tốc độ tăng cao so với năm trước (tỷ trọng chi nông nghiệp và phát triển nông thôn trong tổng chi NSNN đã tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và 41,8% năm 2015. Theo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012 - 2015, tính đến hết năm 2015, NSNN đã chi trên 60.000 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách. Trong đó 70 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, 30% tổng số người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.

Cũng trong giai đoạn 2011-2015, đã có trên 10 triệu lượt học sinh được hỗ trợ học phí với tổng kinh phí khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Nhà nước cũng dành 5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 350 nghìn lao động nghèo học nghề miễn phí, 10 nghìn lao động thuộc các huyện nghèo được đào tạo nghề, giáo dục định hướng và đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó có khoảng 100 nghìn lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí; 11 lượt triệu hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí trên 3,5 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt trong 3 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nguồn NSNN chi cho giảm nghèo và an sinh xã hội đã không ngừng tăng lên và phát huy hiệu quả ngày càng cao. Cụ thể: Năm 2017, ngân sách đã dành kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp là 2.231 tỷ đồng; vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng). Năm 2018, ngân sách trung ương (NSTW) đã bố trí thực hiện cho chương trình giảm nghèo bền vững là 7.305 tỷ đồng. Năm 2019, NSTW bố trí trên 10.400 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng địa phương và các nguồn huy động hợp pháp tại 40/63 tỉnh là 2.177 tỷ đồng.

Năm 2020, nguồn NSNN chi cho giảm nghèo bền vững, đặc biệt là hỗ trợ người nghèo đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tăng lên đáng kể và đang phát huy tác dụng lớn trong cộng đồng, xã hội.

Đa dạng hóa nguồn lực

Có thể nói, chính sách an sinh xã hội là nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra là đảm bảo nguồn lực để chi cho công tác này.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thu NSNN còn nhiều khó khăn, chi NSNN phải thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nhưng chính sách an sinh xã hội vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do có nhiều chính sách trong khi nguồn lực hạn chế, nên tình trạng nguồn lực bị phân tán, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn lực vẫn là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện NSNN khó khăn, việc xác định các chỉ tiêu đảm bảo phòng ngừa rủi ro an sinh xã hội cần cân nhắc đến các điều kiện đảm bảo nguồn lực, trước hết là nguồn tài chính của Nhà nước và bố trí kịp thời nguồn tài chính thực hiện theo tiến độ đề ra. Bên cạnh nguồn ngân sách từ Trung ương, cần tăng cường huy động nguồn ngân sách địa phương, các nguồn tài chính ngoài ngân sách như nguồn tín dụng, nguồn vốn nước ngoài, nguồn hỗ trợ, đóng góp của người dân. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền địa phương tham gia vào các chương trình.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đối với các chính sách an sinh xã hội, không thể trông chờ vào nguồn lực của ngân sách mà cần tăng cường huy động các nguồn lực khác. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng... trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, thực hiện các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ, chia sẻ rủi ro đối với những nhóm yếu thế, những đối tượng đặc thù. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chỉ có như vậy, việc thực hiện chính sách này mới bền vững, đáp ứng theo đúng các mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-21/uu-tien-tang-chi-cho-an-sinh-xa-hoi-92512.aspx