Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho vùng dân tộc và miền núi

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng dự và chủ trì hội nghị, cùng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, ngày 14/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" (gọi tắt là Đề án 2214).

Sau khi Đề án 2214 được ban hành, phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thời gian thực hiện từ 2 năm trở lên đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phục vụ dài hơi hơn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là, ở một số địa phương tập quán canh tác còn lạc hậu, chưa tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện nhưng tốc độ chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông - lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng, sự cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của địa phương còn thấp nên việc mở rộng sản xuất còn hạn chế; tư tưởng người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa tự vươn lên để phát triển kinh tế.

Cơ sở hạ tầng của địa phương còn thiếu và yếu, đặc biệt là đường giao thông, nước sinh hoạt, giá cả thị trường bất ổn định... hầu hết các công trình đều ở các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, tiền nhân công và giá cước vận chuyển cao, vốn đầu tư nhỏ... nên quy mô nhiều công trình phải điều chỉnh thu hẹp cho phù hợp với khả năng nguồn vốn, do vậy hiệu quả một số công trình còn thấp.

So với viện trợ ODA, phần lớn các chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ có quy mô không lớn (từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đô la Mỹ) và thời gian thực hiện không dài (từ vài tháng đến 1-3 năm).

Quy trình thủ tục quản lý các nguồn vốn viện trợ của Việt Nam với các nhà tài trợ chưa hài hòa, gây chậm chễ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng chi phí giao dịch do mỗi nhà tài trợ có quy trình, thủ tục riêng khá phức tạp, còn nhiều khác biệt so với quy trình thủ tục trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực đấu thầu, chính sách về an sinh xã hội (đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư...) dẫn đến phải trình duyệt cả hai phía.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng: Đề án 2214 góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng cũng nêu ra những nguyên nhân, hạn chế và bất cập của đề án, như: Công tác vận động viện trợ như kiến thức, năng lực, kỹ năng về xây dựng, quản lý dự án, tiếp cận nhà tài trợ, trình độ ngoại ngữ của cán bộ đặc biệt ở cấp địa phương còn hạn chế; nhân lực, vật lực cho công tác vận động chưa được đầu tư thỏa đáng. Bên cạnh đó, các tổ chức PCPNN đang có xu hướng không tiếp tục viện trợ truyền thống bằng vật chất mà chuyển sang dạng viện trợ phi vật chất như tài trợ chuyên gia, tình nguyện viên hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, đào tạo nghề.

Nhiều đơn vị thụ hưởng NGO của địa phương chưa phát huy vai trò làm chủ trong việc thu hút và sử dụng nguồn vốn NGO; đôi khi phụ thuộc quá nhiều vào Bộ, ngành Trung ương, chưa chủ động nỗ lực trong quá trình tham gia chuẩn bị dự án và phụ thuộc nhiều vào chuyên gia tư vấn. Ngoài ra, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên việc bố trí vốn đối ứng cho các dự án gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Cùng với đó, phong tục tập quán của đồng bào DTTS mang tính đặc thù riêng nên quy trình vận động tài trợ gặp rất nhiều khó khăn.

Để việc triển khai Đề án 2214 giai đoạn 2018 - 2020 đạt hiệu quả cao, Ủy ban Dân tộc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, hội chợ tại các địa phương, là cầu nối giữa các tổ chức quốc tế và các địa phương nhằm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, kỹ năng vận động, đàm phán, xây dựng và quản lý dự án quốc tế cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của địa phương.

Ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho vùng dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo kế hoạch của Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng cho giai đoạn 2014-2020.

Giao Bộ Ngoại giao, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ thông tin với địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong công tác vận động và quản lý các hoạt động của các tổ chức PCPNN. Giới thiệu các tổ chức PCPNN có tiềm lực về tài chính để tiếp xúc và vận động viện trợ; cung cấp thông tin về các khu vực còn đặc biệt khó khăn cũng như định hướng về lĩnh vực ưu tiên vận động cho các nhà tài trợ.

HÒA THANH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/uu-tien-phan-bo-ngan-sach-nha-nuoc-cho-vung-dan-toc-va-mien-nui-d85850.html