Ưu tiên ổn định dân cư vùng sạt lở

Là tỉnh chịu nhiều thiệt hại do sạt lở gây ra, việc ổn định dân cư đang là nhiệm vụ cấp bách được các ngành, các cấp tại An Giang quan tâm.

Hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 46 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 3.470m, ảnh hưởng đến 146 căn nhà phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn (trong đó có 4 nhà sụp hoàn toàn và 1 căn bị sụp một phần xuống sông). Ước thiệt hại về đất khoảng 32,68 tỉ đồng.

Ngành chức năng tỉnh An Giang khảo sát điểm sạt lở trên quốc lộ 91 đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Ảnh: MINH ANH

Ngành chức năng tỉnh An Giang khảo sát điểm sạt lở trên quốc lộ 91 đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Ảnh: MINH ANH

Kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang trong đợt 1 năm 2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, các đoạn bờ sông cảnh báo có hệ số ổn định mái dốc dao động từ 0,63-1,24 (hệ số càng lớn thì bờ càng ổn định). Tổng số các đoạn sông cảnh báo là 52 đoạn, ảnh hưởng tới 20.000 hộ dân; trong đó, có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khấn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như hiện nay, dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở đất bờ sông không chỉ ở các tuyến sông lớn mà còn ở các tuyến kênh, rạch nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là các đoạn sông, kênh, rạch đã được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm.

“Nhu cầu di dời, ổn định dân cư vùng sạt lở là rất lớn. Do đó, các địa phương phải nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở theo từng cấp độ, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định để phân kỳ thực hiện. Đối với trường hợp cấp bách, UBND tỉnh An Giang cho chủ trương bố trí dân cư vào các cụm tuyến dân cư có sẵn hoặc sử dụng quỹ đất công của địa phương để bố trí dân vào ở liền, giúp bà con có chỗ ở ổn định” - ông Thư nói.

Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở

Theo ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh An Giang hiện có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài gần 170.000m; trong đó, 6 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ trung bình. Sáu đoạn bờ sông được cảnh báo nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) dài 6.900m, trong đó nguy cơ sạt lở mạnh thuộc hai ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400m; đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900m, kéo dài từ Vàm Kênh Cây Dương đến Bến phà Năng Gù, trong đó trọng yếu tại khu vực Trường Tiểu học A Bình Mỹ. Tại TP Long Xuyên có 2 điểm được cảnh báo gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng dài 3.300m và đoạn sông Hậu chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình dài 4.300m. Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân dài 3.100m và đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới, từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông dài 3.600m.

Ngày 7-2, sau khi trực tiếp đi kiểm tra các đoạn sông được cảnh báo sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Về lâu dài, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Thư, bên cạnh ổn định dân cư thì Sở Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở. Tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy hạn chế sạt lở (ngoài khu vực xã Châu Phong đã triển khai). Chú ý phối hợp với UBND cấp huyện chấn chỉnh và siết chặt, xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép. Đối với các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo huyện, xã lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai và thực hiện “Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động ở An Giang”.

Ngoài ra, đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, các địa phương cần chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa hạn chế sạt lở: giảm tải trọng đường bờ (cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ…), thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng…

Còn về lâu dài, ông Thư đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ, phân luồng giao thông thủy, bộ hợp lý để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm có nguy cơ sạt lở và phục vụ cho địa phương lập quy hoạch dân cư, giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan tranh thủ vốn Trung ương để đầu tư các cụm tuyến dân cư, tuyến kè trọng điểm cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Sở Xây dựng tham mưu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về xây dựng, hỗ trợ địa phương xây dựng tiêu chí và quy chế quản lý xây dựng, thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Khẩn trương phối hợp các sở, ngành và các địa phương rà soát, nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở.

BÌNH NGUYÊN - MINH ANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/uu-tien-on-dinh-dan-cu-vung-sat-lo-a118077.html