Ưu tiên nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Khoa học công nghệ ký kết phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Hai Bộ thống nhất trong giai đoạn 2016-2020 sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, sản phẩm lợi thế của địa phương.

Đồng thời, hai Bộ sẽ phối hợp xây dựng một số dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước, một số Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ, tập trung cho một số ngành hàng, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cấp quốc gia, đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam.

Thông qua quy chế phối hợp này, các chương trình, dự án nghiên cứu đối với một số sản phẩm chủ lực sẽ được thiết kế theo hướng tập trung, theo chuỗi để tạo ra sản phẩm cuối cùng ứng dụng sản xuất, tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, trong bối cảnh mới là hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu đến nhanh hơn, đem lại nhiều thách thức cho mặt trận nông nghiệp.

Điều này đặt ra và đòi hỏi chúng ta cùng với sự năng động sáng tạo của các nhà khoa học làm sao tăng cường hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ để có tác động mạnh hơn, rõ hơn thông qua các giải pháp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, giải pháp khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm của địa phương.

Những lĩnh vực gì cần đột phá bằng đề tài, công trình, dự án thì tập trung vào, đặc biệt thúc đẩy mối quan hệ của 4 nhà thông qua các sản phẩm.

Đồng thời thực hiện chính sách mới đó là phát huy tổng tiềm lực xã hội: các nhà khoa học, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào nghiên cứu, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ với mục tiêu cuối cùng là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập chiến thắng.

Trong những năm qua, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.

Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Nhân dịp này, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, hai Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cùng với các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian ngắn nhất phục tráng 2 giống lợn đặc sản của Việt Nam sớm đưa vào sản xuất./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/uu-tien-nhieu-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nong-nghiep-giai-doan-2016-2020/28522.html