Ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng nông nghiệp, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí các nguồn lực, nhất là kinh phí cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi...phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Cống âu thuyền Ninh Quới là công trình lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhằm ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Ảnh: Tư liệu

Cống âu thuyền Ninh Quới là công trình lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhằm ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn vào mùa khô giữa 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Ảnh: Tư liệu

Dành 1/3 nguồn vốn đầu tư công xây dựng công trình và hạ tầng nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (NQ 120), thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt. Cụ thể, xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ NN&PTNT đã cơ bản hoàn thành.

Một trong những kết quả nổi bật của Bộ NN&PTNT khi thực hiện NQ 120 là đầu tư xây dựng thành công một số dự án công trình và hạ tầng nông nghiệp tại ĐBSCL. Nếu như trước đây, các công trình thủy lợi của vùng ĐBSCL là ngăn mặn, giữ ngọt để trồng lúa thì các công trình ngày nay không ngăn mặn, giữ ngọt mà điều tiết mặn ngọt.

Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2016-2020, phần vốn của Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư tại vùng ĐBSCL có tổng số vốn khoảng 28.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 29% tổng vốn đầu tư công trung hạn của Bộ NN&PTNT quản lý.

Một số công trình, dự án lớn, điển hình của Bộ trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 đã hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư như: Dự án Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh; dự án hệ thống thủy lợi trạm bơm cống Xuân Hòa tỉnh Tiền Giang, Long An; dự án Cống âu thuyền Ninh Quới tỉnh Bạc Liêu, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSat...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Như vậy, gần 1/3 vốn đầu tư công trung hạn của Bộ NN&PTNT đã được Bộ đầu tư vào ĐBSCL để làm các công trình và hạ tầng nông nghiệp cho vùng này và đã giải quyết cơ bản một số vấn đề bức xúc về hạn hán, ngập mặn...Bà con ở đây đã nhìn thấy rất rõ hiệu quả của các dự án đầu tư và quan trọng là chúng ta đã có hướng đi đúng".

Ưu tiên công trình chống hạn mặn

Ngày 13/3, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị bao gồm nhiều nội dung chính, trong đó có việc làm rõ kết quả quy hoạch vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian tới, ĐBSCL đang có nhiều thách thức. Tình hình xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt hơn do tác động của dòng chảy thượng nguồn rất cực đoan, do các quốc gia sử dụng nước thượng nguồn vào kinh tế, thủy điện, chia sẻ nguồn nước. Thậm chí tới đây, còn cực đoan hơn do dòng chảy mùa khô của sông Mê Kông càng giảm.

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng...

Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT ưu tiên bố trí các nguồn lực, nhất là kinh phí cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển....phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, sẽ chia làm 3 nhóm dự án để tính toán đầu tư. Cụ thể, nhóm 1 là đầu tư các dự án kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhóm 2 là đầu tư hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn. Nhóm 3 đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.

Nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng, trong đó rà soát những nội dung ưu tiên thì đề xuất đầu tư trong nguồn vốn của Bộ NN&PTNT khoảng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán các công trình dự án lớn sẽ đầu tư vào ĐBSCL. "Đối với ĐBSCL phải dùng từ đầu tư "không hối tiếc" vì hạ tầng nông nghiệp ở các vùng khác nếu có tiền thì có thể làm được ngay nhưng với ĐBSCL thì phải tính toán rất kỹ... Rõ ràng, đầu tư không hối tiếc nghĩa là tính toán lâu dài. Với ĐBSCL sẽ có sự đầu tư sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, công trình nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trước hết, đầu tư các công trình giải quyết những vùng cực hạn, cực mặn; đồng thời tập trung nạo vét một số kênh rạch lớn để chứa nước nhiều hơn và dẫn nước nhanh hơn, từ đó giải quyết vấn đề hạn hán..." - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tổ chức triển khai Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình giống giai đoạn 2021-2030, trong đó chú trọng đầu tư nghiên cứu, chọn tạo giống chủ lực cho vùng ĐBSCL./.

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, hơn 3 năm qua, các bộ, ngành Trung ương cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án ứng phó BÐKH phù hợp, nhằm tạo đà mạnh mẽ cho ÐBSCL phát triển bền vững. Qua đó, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BÐKH và Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BÐKH đã hỗ trợ vùng ÐBSCL 28 dự án (8 dự án liên quan đến xây dựng đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu, 20 dự án liên quan đến trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển). Chương trình mục tiêu ứng phó với BÐKH và tăng trưởng xanh hỗ trợ 20 dự án với tổng số kinh phí 3.700 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao vốn trung hạn để thực hiện nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, bảo vệ và tôn tạo tự nhiên tại vùng ÐBSCL.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-03-12/uu-tien-nguon-luc-xay-dung-ha-tang-nong-nghiep-phat-trien-dong-bang-song-cuu-long-100977.aspx