Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng, áp dụng công nghệ để cải thiện môi trường đầu tư

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương tại buổi gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam, ngày 21/12 tại Công ty điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế).

PC Thừa Thiên Huế gặp mặt các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành điện nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành điện

PC Thừa Thiên Huế gặp mặt các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành điện nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành điện

PC Thừa Thiên Huế tiền thân là Nhà máy Đèn Huế được xây dựng vào những năm 1920. Tại thời điểm tiếp nhận (năm 1975) chỉ gồm các cụm máy phát diezen công suất nhỏ (2,5MW), lưới điện chủ yếu phục vụ cho hoạt động của các cơ quan chính quyền, bệnh viện và sinh hoạt của một số cụm dân cư. Đến khi nhận lưới điện quốc gia vào năm 1990, cơ sở vật chất ngành điện trên địa bàn đã phát triển vượt bậc, lưới điện quốc gia được đưa về các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Năm 2003, điện về đến xã Hồng Thủy (A Lưới) là địa phương cuối cùng của tỉnh được cấp điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ 100% các địa phương trong toàn tỉnh có điện.

Ông Hà Thanh Long - Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, cơ sở vật chất của Công ty phát triển không ngừng, lưới điện quản lý bao gồm: 12 trạm 110kV, tổng dung lượng 589MVA được vận hành ở chế độ không người trực và được giám sát, điều khiển từ xa qua trung tâm điều khiển. Sản lượng điện thương phẩm đạt 1,797 tỷ kWh; công suất cực đại vào cao điểm hè năm 2019 là 300,5MW; cấp điện cho trên 305.000 khách hàng; 100% địa phương trong toàn tỉnh có điện; 99,98% số hộ có điện và là đơn vị có tỷ lệ hộ dùng điện cao nhất trong toàn quốc.

Ngành điện không ngừng đầu tư, áp dụng công nghệ trong quản lý vận hành hệ thống lưới điện (công nhân thi công đường dây Phú Bài - Vinh Thanh)

Cho đến nay, ngành điện đã đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2019, doanh thu ước đạt 3.271 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 37,689 tỷ đồng, nâng cấp mức độ dịch vụ điện trực tuyến lên cấp độ 4... Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, PC Thừa Thiên Huế còn thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương chúc mừng PC Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển và hiện đại hóa ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương trước năm 2025. Do vậy, để thực hiện mục tiêu đó yêu cầu ngành điện tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngành điện, nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao cấp điện cho các doanh nghiệp, dịch vụ du lịch, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tạo điều kiện để phục vụ người dân tốt nhất, sớm hoàn thành chuyển đổi công tơ số, đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, tăng chỉ tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành điện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/uu-tien-nguon-luc-phat-trien-ha-tang-ap-dung-cong-nghe-de-cai-thien-moi-truong-dau-tu-130390.html