Ưu tiên lĩnh vực nào trong gói hỗ trợ nền kinh tế?

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua càng thôi thúc sớm có gói hỗ trợ, kích thích đối với nền kinh tế nước ta. Vấn đề đặt ra là: Đâu là trọng tâm, sự ưu tiên của gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trong điều kiện ngân sách khó khăn và thiệt hại do dịch Covid-19 lớn?

Khu vực dịch vụ cần hỗ trợ nhiều nhất

Tháng 3-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp đó, tháng 4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước triển vọng tăng trưởng hai quý cũng như cả năm 2020 vẫn rất khó khăn, cần xem xét sớm ban hành một gói kích thích kinh tế mới đủ liều lượng và đúng trọng tâm, trọng điểm để vực dậy nền kinh tế.

 Các hãng hàng không nội địa khai thác chuyến bay dân dụng tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: HUY HÙNG

Các hãng hàng không nội địa khai thác chuyến bay dân dụng tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: HUY HÙNG

Thực trạng các lĩnh vực kinh tế năm 2020 cho thấy dịch vụ là lĩnh vực cần được ưu tiên hỗ trợ nhất. Có thể so sánh giai đoạn nước ta bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, khởi phát từ đầu năm 2008 với giai đoạn hiện nay để thấy rõ điều đó.

GDP quý I-2009, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,5%, song khu vực dịch vụ vẫn tăng 5,4%. Với GDP quý II-2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, còn khu vực dịch vụ lại giảm 1,76%. Như vậy nếu năm 2009 khu vực dịch vụ là "cứu cánh" cho tăng trưởng kinh tế thì ngược lại, đến năm 2020, khu vực dịch vụ lại chịu tác động nặng nề nhất. Chính khu vực dịch vụ (chiếm hơn 42% GDP) cần hỗ trợ nhiều nhất để vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.

Ưu đãi cho khu vực kinh tế ngoài Nhà nước

So với năm 2009, tình hình hiện nay có điểm chung là sụt giảm đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của việc sụt giảm này trong quý II-2020 thấp hơn nhiều so với quý I-2009. Vốn đầu tư thực hiện quý I-2009 theo giá thực tế tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm vốn khu vực Nhà nước đạt 57,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 30%; vốn FDI 19,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32%. Trong khi đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II-2020 theo giá hiện hành ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9%; khu vực có vốn FDI giảm 2,4%.

Trọng tâm của kích thích kinh tế và đầu tư năm 2020 không phải là khu vực FDI mà chính là khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt, khi khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tăng đầu tư công là cần thiết, song tăng đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn quan trọng hơn vì đó mới thật sự là cứu cánh vững chắc nhất và hiệu quả nhất cho phục hồi và vượt qua đáy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần được ưu đãi hỗ trợ đến mức cao nhất về vốn tín dụng, về thuế phí nói riêng và về điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

Vận tải hành khách phải là ưu tiên số 1

Quý II-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không những không tăng mà còn giảm 5,8% so với quý trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, trong năm 2020, kích cầu tiêu dùng đặc biệt quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn kích cầu đầu tư như năm 2009, trong đó kích cầu du lịch là ưu tiên hàng đầu.

Một bộ phận gắn bó hữu cơ với khu vực dịch vụ nói chung, du lịch nói riêng chính là giao thông vận tải. Vận tải hành khách quý II-2020 đạt 681,1 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 29,1 tỷ lượt khách.km, giảm 51,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách đạt 1,8 tỷ lượt khách vận chuyển, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 82,4 tỷ lượt khách.km, giảm 32,7%. Mức độ suy giảm “khủng khiếp” của vận tải hành khách ở tất cả các phương thức khiến cho ngành này cần được ưu tiên số 1 trong các biện pháp khẩn cứu.

Gói hỗ trợ, kích thích kinh tế năm 2020 nếu có sẽ cơ bản khác gói kích thích năm 2009 do trọng tâm cần kích thích là khu vực dịch vụ chứ không phải là khu vực công nghiệp và nông nghiệp như hơn 10 năm trước. Ưu tiên hàng đầu cần ưu đãi hỗ trợ là du lịch và vận tải hành khách, trong đó đặc biệt là vận tải đường hàng không. Bên cạnh đó, ưu tiên kích cầu tiêu dùng cần đặt ở vị trí cao hơn kích cầu đầu tư. Theo đó, các ưu đãi hỗ trợ cần tập trung đủ nguồn lực, mức độ và thời gian dành cho các ưu tiên này.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, năm 2019, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet nộp ngân sách Nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng thuế, phí; giải quyết việc làm cho 30.000 người. Đại dịch Covid-19 khiến các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỷ đồng và con số này đang tăng dần do làn sóng dịch bệnh thứ hai. Các hãng hàng không rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng và đang kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp bằng gói tín dụng 25.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất trong 3 năm.

TS VŨ ĐÌNH ÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/uu-tien-linh-vuc-nao-trong-goi-ho-tro-nen-kinh-te-631611