Ưu tiên kết nối hợp tác phát triển dịch vụ logistics xanh

Ngày 7-12, tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh.

Diễn đàn logistics Việt Nam 2018, với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” do Bộ Công thương phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế tổ chức là diễn đàn thường niên lần thứ sáu được tổ chức kể từ năm 2013 đến nay. Thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cả nước đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tăng cường kết nối giữa các vùng kinh tế, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư dịch vụ logistics xanh mang lại lợi ích cho các bên.

Dự và phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh. Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất phục vụ phát triển ngành logistics. Trong thời gian tới, chúng ta cần hợp tác ở cả ba cấp độ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ logistics xanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của mỗi bên; Phó Thủ tướng cho rằng, cần tạo ra liên kết vùng, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, giá trị dịch vụ logistics.

Chính phủ cũng như chính quyền địa phương chỉ kiến tạo ra môi trường tốt để các doanh nghiệp triển khai thực hiện; Phó Thủ tướng đề nghị cần đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh, phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN; phối hợp thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại một số cặp cửa khẩu. Đây là tiền đề để Việt Nam và các nước có chung biên giới trong khu vực ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế…

Hiện nay, Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định CPTPP vừa được Quốc hội phê chuẩn. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam.

Năm 2018, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam tiếp tục tốc độ tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng khoảng 12 đến 14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, đặc biệt cùng với sự quan tâm phát triển dịch vụ logistics của các cấp từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số hoạt động logistics (LPI), công bố ngày 24-7-2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng Chỉ số hoạt động logistics trong thập niên vừa qua.

Hiện nay, các bộ, ngành đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cùng với việc đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu lên cơ chế một cửa Quốc gia, việc kiểm tra chuyên ngành cũng được cải tiến theo hướng giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra... Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí logistics.

Cả nước hiện có khoảng ba nghìn doanh nghiệp dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, có tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, số doanh nghiệp logistics tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics mới chỉ có hơn 360 doanh nghiệp, điều đó cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38499402-uu-tien-ket-noi-hop-tac-phat-trien-dich-vu-logistics-xanh.html