Ưu tiên hỗ trợ đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La phát triển sản xuất

Kết luận Hội nghị về công tác ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai có hiệu quả, nâng cao đời sống của đồng bào tái định cư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Từ thực tiễn công tác di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La trong 15 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc sớm xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” là rất cần thiết.

“Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cũng đồng thời đáp ứng mục tiêu và chủ trương của Đảng và Nhà nước là bảo đảm cuộc sống của người dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình soạn thảo Đề án, Bộ NN&PTNT đã rất tích cực, chủ động cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và hoàn thiện các nội dung theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Đề án đã cơ bản được hoàn thành, sẽ được tiếp tục hoàn thiện sau Hội nghị này để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, đặc biệt là các vấn đề về phạm vi, đối tượng, thời gian, nội dung đầu tư… của Đề án.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cần tiếp tục rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc ngành, sản phẩm, các vùng kinh tế, từ đó tạo ra những ngành, sản phẩm chủ lực, có tính chất động lực phát triển. Trên cơ sở kết quả tái cấu trúc, tiếp tục tập trung rà soát lại quy hoạch để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, kể cả xây dựng mới các quy hoạch phù hợp với thực tiễn phát triển. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, xác định rõ thứ tự ưu tiên, nguồn lực thực hiện.

Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa

Về đối tượng của Dự án, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung vào các hộ dân tái định cư còn nghèo, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác nhằm mang lại hiệu quả tối đa nhất, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT, cho phép thực hiện đối tượng của Đề án theo quy định tại Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg.

Về phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm xây dựng vùng hàng hóa lớn, tập trung nhằm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tiếp tục bám sát kết quả điều tra, đánh giá lợi thế so sánh của các vùng tái định cư, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch ngành và Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với công nghiệp chế biến vừa và nhỏ trên địa bàn. Trong đó, phải chú trọng công tác đào tạo nghề cho người dân.

“Nếu chúng ta không chuyển dịch được lao động nông nghiệp sang những ngành, nghề khác, thì rất khó có thể giảm nghèo. Mấu chốt là tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu công việc cho người dân, phải chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, bởi những ngành này cần có tay nghề, mang lại thu nhập cao hơn”, Phó Thủ tướng nói.Về vốn đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị cần rà soát các quy định, cơ chế, chính sách hiện hành để tiếp cận theo hướng sử dụng nguồn vốn khấu hao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; nguồn vốn ngân sách dự phòng kế hoạch trung hạn 2016-2020; vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đóng góp của người dân.

Về nội dung đầu tư, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị căn cứ Chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện quy định tại Điều 16, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg, tập trung đầu tư để thực hiện các nội dung như hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất; hỗ trợ học nghề; sửa chữa, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng; sắp xếp, ổn định lại dân cư…

“Cần nghiên cứu để hoàn thiện, lựa chọn các mô hình tốt để nhân rộng, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp. Đồng bào sẽ không thể hết nghèo nếu không có đất đai, trồng cây không mang giá trị hàng hóa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thăm hỏi, trò chuyện với đồng bào tại bản tái định cư Tú Quỳnh, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể sớm phê duyệt, triển khai có hiệu quả Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La”.

Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan; các ý kiến tại Hội nghị hôm nay để sớm hoàn thiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Đề án (dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đề xuất nguồn cho giai đoạn 2021-2025), báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ lại cho các địa phương từ việc phân chia lợi nhuận của dự án thủy điện Sơn La.

Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất phương án sử dụng nguồn trích khấu hao để hỗ trợ vốn thực hiện Đề án theo đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, hoàn thiện Đề án; cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong việc lồng ghép các chương trình, đề án, dự án hiện có để tránh tình trạng dàn trải, chồng chéo. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh xử lý các vấn đề liên quan khi triển khai thực hiện Đề án.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/uu-tien-ho-tro-dong-bao-vung-tai-dinh-cu-thuy-dien-son-la-phat-trien-san-xuat/331754.vgp