Ưu tiên đưa sản phẩm Việt vào hoạt động du lịch

Những năm gần đây, nhiều thương hiệu Việt đã lên ngôi trong lĩnh vực du lịch như: Vận chuyển, lưu trú, du lịch - lữ hành, nhà hàng - ẩm thực, sản phẩm lưu niệm…

Đó cũng là cách ngành kinh tế xanh tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nâng tầm thương hiệu Việt
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Du lịch Hà Nội đã chú trọng tới việc nâng tầm, hình thành chuỗi không gian văn hóa, sản phẩm lưu niệm, nhà hàng, điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Tiêu biểu phải kể đến: “Không gian áo dài Việt” tại Lan Hương Fashion House số 18 Âu Cơ, Đỗ Trịnh Hoài Nam Fashion, Chula Fashion House… là những địa chỉ tôn vinh, kích cầu du khách mua, sử dụng áo dài Việt; Công ty Tân Mỹ Design (61 Hàng Gai) - nơi cung cấp các sản phẩm thêu tay truyền thống của Hà Nội; “Không gian Văn hóa Hà Nội” tại đình Đồng Lạc - nơi trưng bày và trình diễn làm các sản phẩm thủ công truyền thống. Cùng với đó, các nhà hàng: Vườn phố (3B Phan Đình Phùng), Nhà hàng chay Thiện Phát (6 ngõ Huế)... là những điểm thưởng thức ẩm thực lý tưởng cho du khách khi đến với Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang (bên trái) trao quyết định cấp biển hiệu cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách cho Tan My Design.

Cùng với những điểm đến tôn vinh hàng Việt, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VietjetAir đang ngày càng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Theo đánh giá của ngành hàng không khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đang là 2 trong 4 cửa ngõ chính của khu vực (cùng với Bangkok của Thái Lan và Côn Minh của Trung Quốc). Vietnam Airlines và VietJet Air đang cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng hàng không của Thái Lan. Nếu như 10 năm trước, Bangkok là trung tâm trung chuyển duy nhất trong khu vực thì đến nay, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã trở thành trung tâm kết nối với các điểm đến từ các châu lục khác. Hai hãng hàng không mang thương hiệu Việt ngày khẳng định vị thế với mức giá cạnh tranh, sự tin cậy của du khách trong nước và quốc tế.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng nhận định: Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Thủ đô hiện nay đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng nguồn nguyên liệu sạch được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhằm đảm bảo VSATTP cho du khách. Nhờ vậy, các vùng nuôi, trồng, chuyên canh hoa quả ở khu vực ngoại thành Hà Nội ngày càng phát triển, tạo sức bật cho loại hình du lịch nông nghiệp - sinh thái ở các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đông Anh, Mê Linh...
Xây dựng bản đồ mua sắm cho du khách
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian qua, Sở chú trọng phối hợp với các DN, địa phương trên cả nước để xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch nội địa mới hấp dẫn nhằm thu hút và phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt, Sở cũng vận động các đơn vị, DN du lịch ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam để phục vụ du khách. Tại các khách sạn có gian hàng lưu niệm thủ công truyền thống của Hà Nội, Việt Nam; các DN lữ hành xây dựng chương trình du lịch khuyến mại kết hợp mua sắm hàng Việt, nhất là các sản phẩm đặc trưng của các vùng, miền, địa phương…
Nhằm phục vụ du khách ngày một tốt hơn, ngành Du lịch Thủ đô cũng triển khai kế hoạch hợp tác giữa DN, cơ sở dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý để xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cho từng thị trường khách nội địa và quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích du khách mua sắm, chi tiêu, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ cập nhật danh sách các điểm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở ẩm thực đạt tiêu chuẩn lên Bản đồ mua sắm của TP trên website của Sở để khách du lịch có thể tìm kiếm trực tuyến trên các thiết bị thông minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh nhận định: “Việc Sở Du lịch Hà Nội liên tục đổi mới cách thức phổ biến, tuyên truyền chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến các nhà hàng, DN vận chuyển, lưu trú, dịch vụ du lịch trong thời gian qua thể hiện trách nhiệm của Sở đối với TP và người dân, DN. Nhờ sự vào cuộc đó, sản phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, kích thích tiêu dùng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Bài, ảnh: Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/uu-tien-dua-san-pham-viet-vao-hoat-dong-du-lich-307057.html