Ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quy mô lớn, quan trọng

Ngày 11/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau đó thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Tránh tình trạng đầu tư tràn lan

Một điểm đáng chú ý là dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã làm rõ sự khác biệt giữa “xã hội hóa” và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo dự thảo Luật, “xã hội hóa” và “PPP” đều có cùng mục đích là thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng, dịch vụ công; tuy nhiên trong khi PPP được định hình là phương thức đầu tư với trình tự, thủ tục bài bản và cơ chế chính sách đầy đủ thì xã hội hóa chỉ là chủ trương và chính sách khuyến khích, chưa có trình tự thực hiện cụ thể.

Do vậy, có thể xem xét áp dụng xã hội hóa cho các dự án ở quy mô nhỏ, đơn giản; áp dụng PPP với dự án quy mô lớn, phức tạp, cần ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thông qua hợp đồng dài hạn.

Theo dự thảo Luật, tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư dự án PPP khá cao, vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. Các dự án có quy mô nhỏ có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản hơn như xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...

Theo đó, dự thảo Luật quy định: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân và tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo Luật. Nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp ngay tại dự thảo Luật về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án PPP và các nội dung liên quan áp dụng đối với từng loại hợp đồng PPP có tính chất và cách thức thực hiện khác nhau.

Cần tính đến lâu dài

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tán thành với quy định tại dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, mức tối thiểu 200 tỷ đồng là hợp lý để đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực hiện những dự án lớn, quan trọng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng, bởi lẽ, có nhưng lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn, do đó, đại biểu đề nghị nên ủy quyền cho Chính phủ quy định.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 11/11. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Cho rằng, cần tính đến lâu dài khi đồng tiền có khả năng mất giá, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP sẽ phù hợp hơn trong từng thời kỳ.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lưu ý, dự thảo Luật mới quy định về vốn và nếu chỉ dựa vào vốn có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra, vì mức 200 tỷ đồng chỉ phù hợp với một số lĩnh vực về hạ tầng giao thông, trong khi nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư... Do vậy, đại biểu đề nghị, cần bổ sung các tiêu chí để xác định dự án nào cần kêu gọi đầu tư PPP chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiêu chí vốn.

Một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/uu-tien-dau-tu-ppp-doi-voi-cac-du-an-quy-mo-lon-quan-trong-post70308.html