Ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao

Để có nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao (TDTT), những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách trong việc ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nhằm phát triển sự nghiệp TDTT.

Biểu diễn võ thuật tại Hội khỏe Phù Đổng TP Sầm Sơn lần thứ X, năm 2019.

Đến nay, chất lượng nguồn nhân lực như: Đội ngũ vận động viên (VĐV), huấn luyện viên, trọng tài... từng bước được nâng lên. Các công trình phục vụ hoạt động TDTT đã và đang được đầu tư xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy công năng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Trên cơ sở định hướng và các chính sách phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và trung tâm trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyển chọn đội ngũ VĐV các môn thể thao các tuyến để đưa đi đào tạo, tập luyện, tập huấn và thi đấu tại các giải của tỉnh và trong nước... Nhờ có chiến lược tuyển chọn, đào tạo bài bản, dài hơi, đến nay Thanh Hóa đã và đang xây dựng được một lực lượng VĐV tương đối đồng đều ở các tuyến, đáp ứng nguồn nhân lực cho cả trước mắt và lâu dài... Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đã duy trì được từ 940-990 VĐV các môn thể thao (400-450 VĐV đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh, 440 VĐV năng khiếu); năm 2019 tiếp tục duy trì 750 VĐV các đội tuyển, dự kiến năm 2020 là 800 VĐV... Hàng năm, bình quân Thanh Hóa có khoảng 140-150 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng, dự bị kiện tướng và cấp I quốc gia. Về bóng đá, duy trì số lượng từ 100-150 VĐV các tuyến từ U13-U21 và đội tuyển trong giai đoạn 2011-2020. Cùng với chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng VĐV, một trong những lực lượng quan trọng góp phần không nhỏ vào thành tích thi đấu của các VĐV đó là lực lượng huấn luyện viên, đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật, y sinh học thể thao... Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 115 huấn luyện viên, 65 trọng tài thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia (năm 2011 có 100 huấn luyện viên và 45 trọng tài thể thao cấp tỉnh, cấp quốc gia). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có trên 1.500 trọng tài các môn thể thao; gần 900 cán bộ, chuyên gia kỹ thuật, y sinh học thể thao; gần 690 cán bộ, huấn luyện viên và công chức phụ trách công tác văn hóa - xã hội (từ cấp huyện đến cấp xã).

Về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT, từ năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, trong đó với mục tiêu giai đoạn 2011-2015 hoàn thành xây dựng sân vận động thuộc khu liên hợp TDTT; quy hoạch xây dựng 8 trung tâm TDTT vùng; giai đoạn 2016-2020 hoàn thành các hạng mục công trình thuộc khu liên hợp TDTT. Tuy nhiên, đến nay tất cả các nhiệm vụ trên chưa được triển khai thực hiện. Đối với cơ sở vật chất TDTT cấp huyện, đến nay đã có 8 huyện đảm bảo các công trình thể thao tối thiểu, đạt 29,6% số huyện trong tỉnh. Đến tháng 10-2019 toàn tỉnh duy trì 4 trung tâm TDTT vùng, đạt 50%.

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thực hiện Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND ngày 21-12-2011 của UBND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao... trên địa bàn tỉnh, công tác XHH các hoạt động TDTT đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở tập luyện và thi đấu TDTT, như: Nhà tập luyện, phòng tập thể thao... với các trang, thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT và giải trí của nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16.550 công trình, sân bãi, phòng tập TDTT; 149 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; phê duyệt 36 dự án đầu tư xây dựng các công trình TDTT với diện tích gần 133 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.520,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức, hiệp hội, hội, câu lạc bộ... đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT, giải đấu thể thao phong trào quy mô cấp tỉnh từ nguồn XHH khoảng 5 tỷ đồng; đồng thời vận động các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các hoạt động thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp (trừ bóng đá và bóng chuyền) khoảng từ 30-50 tỷ đồng/năm.

Có thể khẳng định, với việc tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy các phong trào, hoạt động TDTT, nhất là thể thao thành tích cao. Từ năm 2011-2019, các VĐV thể thao Thanh Hóa đã giành được tổng số gần 4.900 huy chương các loại (trên 1.630 Huy chương Vàng), trong đó 3.630 huy chương các giải chính thức của quốc gia và quốc tế (gần 430 huy chương quốc tế). Tại Đại hội TDTT toàn quốc 2 kỳ gần đây (năm 2014 và 2018) Thanh Hóa xếp thứ 4 toàn quốc. Còn tại Đại hội thể thao châu Á năm 2018, các VĐV Thanh Hóa đã giành được 8 huy chương các loại (1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng), đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội.

Duy Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao/uu-tien-dau-tu-nguon-nhan-luc-va-co-so-vat-chat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-su-nghiep-the-duc-the-thao/115375.htm