Ưu tiên chương trình, dự án đầu tư công bảo đảm phát triển bền vững

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập tới tình trạng nhiều dự án đầu tư công cũng trong tình trạng dang dở, trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố; chẳng hạn như 10 dự án ngành điện đang chậm tiến độ.

Ga ngầm S12-ga Hà Nội thi công hạng mục tấm mắt mềm đầu tiên của nhà ga. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ga ngầm S12-ga Hà Nội thi công hạng mục tấm mắt mềm đầu tiên của nhà ga. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình thảo luận về kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 10, ngày 4/11, đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư công.

Quan tâm đầu tư công trong lĩnh vực môi trường

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích trong giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, 30 bãi rác và 70 điểm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng sẽ được ưu tiên xử lý. Đầu tư xây dựng ba dự án xử lý nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra ba lưu vực sông Nhuệ-Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai.

Tổng kinh phí cho chương trình này là 4.648 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế, nguồn vốn bố trí cho chương trình này chỉ có 535 tỷ đồng, bằng 11% so với dự kiến. Việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến các mục tiêu trong chương trình đến nay không đạt được như dự kiến.

Việc chưa bố trí vốn đầu tư công trong bảo vệ môi trường cũng được phản ánh rất rõ trong Báo cáo số 533 của Chính phủ.

Đó là "tỷ lệ bố trí vốn cho xử lý triệt để ô nhiễm môi trường thấp, tỷ trọng cơ cấu đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải rất thấp, chỉ đạt 0,3%."

Phần mục tiêu chung trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chỉ đề cập chung là chú trọng bảo vệ môi trường. Phần mục tiêu, định hướng, cơ cấu cụ thể cũng không đề cập nội dung nào đầu tư cho bảo vệ môi trường.

Danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa có dự kiến danh mục dự án mới. Danh mục dự án chuyển tiếp cho giai đoạn này của 63 địa phương cũng chỉ có duy nhất một dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là ở tỉnh Quảng Ninh.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay, trong đó, cần bố trí đầu tư hợp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, Chính phủ cần tổng kết chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải trong thời gian tới.

Đầu tư đến đâu chắc chắn đến đó

Qua nghiên cứu Báo cáo số 533 về kết quả đầu tư công trung hạn và Báo cáo số 417 về kết quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, Chính phủ đã đánh giá toàn diện việc xây dựng hệ thống số liệu đo lường, thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu đạt và chưa đạt.

Đại biểu đánh giá, điểm đổi mới nổi bật của đầu tư công giai đoạn vừa qua là từ hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội quyết định rút gọn và tích hợp thành hai chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Một số chương trình mục tiêu quốc gia trước đây được chuyển thành chương trình mục tiêu do các bộ, ngành làm chủ, với mức đầu tư được phê duyệt từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao. Điều đáng quan tâm là không ít chương trình mục tiêu được phê duyệt chưa kịp thời như: Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, được phê duyệt vào tháng 10/2017; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch, có tổng vốn đầu tư tối đa là 35.000 tỷ đồng, được phê duyệt vào tháng 11/2017; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, có tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, đến tháng 12/2018 mới phê duyệt.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Tô Ái Vang phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Từ thực tế nêu trên, để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương phải sát với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương, vùng miền; chú trọng chất lượng của các loại quy hoạch phải có tính liên kết, đồng bộ, tránh gây lãng phí trong đầu tư công.

Về chủ trương đầu tư công giai đoạn tới, đại biểu đề nghị nhấn mạnh thêm thành tố bền vững như một yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả đầu tư công trên nền tảng phải duy trì được thành quả phát triển từ những giai đoạn trước, để đầu tư đến đâu chắc chắn đến đó.

Tình hình mưa bão, nước dâng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiên tai dồn dập, bão chồng bão, lũ chồng lũ tại một số tỉnh miền Trung hơn một tháng qua, gây ra những mất mát, thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản của nhân dân, Nhà nước; thành quả phát triển của rất nhiều địa phương bị kéo lùi đáng kể.

Trước tình hình trên, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, chủ trương đầu tư công phải rất chú trọng ưu tiên cho các chương trình, dự án bảo đảm phát triển bền vững.

Không để lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân

Dẫn ví dụ về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) chậm tiến độ nhiều năm nay, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề cập tới tình trạng nhiều dự án đầu tư công cũng trong tình trạng dang dở, trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố; chẳng hạn như 10 dự án của ngành điện đang chậm tiến độ, rất cần được thúc đẩy.

“Cử tri đề nghị: ai không làm được nên thay. Ai làm sai nên kiểm điểm. Ai tham ô, tham nhũng phải bị xử lý thật nghiêm khắc. Nhưng dù làm gì đi nữa, cũng phải duy trì cho được hoạt động của các dự án, để các dự án phải chạy cho kịp tiến độ,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Theo đại biểu, việc để chậm tiến độ các dự án sẽ gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, thời gian và cơ hội. Thực tế cho thấy, dự án nào thực hiện đúng tiến độ, có thể tiết kiệm từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng; đồng thời mở ra thêm nhiều dự án khác, có thêm việc làm cho hàng vạn người.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tích cực tháo gỡ những vướng mắc, trong đó có cơ chế về vốn của từng dự án, từ lúc triển khai cho đến khi kết thúc như vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo đối với Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; để không lãng phí thời gian, cơ hội, tiền bạc của nhân dân và đất nước./.

Việt Đức (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/uu-tien-chuong-trinh-du-an-dau-tu-cong-bao-dam-phat-trien-ben-vung/675230.vnp