Ưu tiên bảo đảm nước cho người dân Đà Nẵng

Ngày 15-11, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có buổi kiểm tra và làm việc với cơ quan liên quan tại Đà Nẵng và các công ty thủy điện trước tình hình nhiễm mặn và thiếu nước xảy ra vào tuần đầu tháng 11 trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đoàn công tác kiểm tra tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Người dân đã có nước sinh hoạt ổn định

Đoàn công tác do đồng chí Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng, làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát việc khai thác sử dụng nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ, thực trạng cấp nước và nhiễm mặn sông Cầu Đỏ. Đoàn công tác đã nghe đại diện các công ty thủy điện: A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2 về công tác vận hành hệ thống các hồ chứa thủy điện.

Theo đại diện các công ty thủy điện, ngay từ giữa tháng 9 đã duy trì vận hành xả nước để bảo đảm nguồn nước sử dụng cho vùng hạ du, và đến cuối tháng 10 tiếp tục xả theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng.

Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cũng cho biết, từ năm 2013 đến nay, đây là lần đầu tiên việc nhiễm mặn xảy ra vào tháng 10, tháng 11 với độ mặn dao động từ 372mg/l đến 4.374 mg/l.

Từ ngày 28 đến 31-10, mực nước tại trạm bơm An Trạch dưới 1,5m nên không thể cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn thành phố. Bắt đầu từ ngày 10-11, Đà Nẵng đã bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân trở lại ổn định.

Tuy nhiên, với tình trạng lượng mưa thấp như hiện nay, không thể khẳng định được sẽ không xảy ra hiện tượng nhiễm mặn. “Để giải quyết vấn đề căn cơ, DAWACO đã trình lên thành phố ba phương án: Xây dựng công trình ngăn mặn ngay Cầu Đỏ, để khi nhiễm mặn xảy ra chúng ta vẫn không bị ảnh hưởng; Xây dựng cụm mới của trạm bơm An Trạch, bảo đảm cấp nước thô về cho nhà máy nước Cầu Đỏ và xây dựng thêm các nhà máy mới trên An Trạch”, Tổng Giám đốc DAWACO Hồ Hương cho biết.

Nguy cơ thiếu nước mùa cạn 2019

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, hiện nay, trên các lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và lưu vực sông Ba tuy đang trong thời kỳ mùa lũ nhưng do không có mưa, lũ dẫn đến hầu hết các hồ chứa lớn, quan trọng đều có mực nước rất thấp, thậm chí một số hồ đang ở mực nước chết (MNC). Như: hồ A Vương là 340,5m cao hơn MNC 0,5m; hồ Đắk Mi 4 là 239,6m, thấp hơn MNC là 0,4m; hồ Sông Bung 4 là 209,6m, cao hơn MNC 4,6m và thấp hơn mực nước dưới bình thường (MNDBT) là 12,9m; hồ Sông Tranh 2 là 146,6m, cao hơn MNC là 6,6m, thấp hơn MNDBT khoảng 28,4m. Do đó, tình trạng thiếu nước ở hạ du ngay trong mùa lũ năm 2018 đã và đang xảy ra với diễn biến phức tạp và khó lường.

Đồng thời, theo nhận định xu thế khí tượng thủy văn các tháng cuối năm thì lượng mưa trên khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%. Lượng nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 70 đến 80%. Vì vậy, nguy cơ các hồ chứa này không bảo đảm mực nước tối thiểu vào đầu mùa cạn là rất cao.

Ngày 13-11, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký Công văn số 6246/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên và TP Đà Nẵng về việc bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019.

Theo đó, bên cạnh việc bảo đảm các yêu cầu giảm lũ cho hạ du (nếu có lũ về) cần phải ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa nhằm chủ động phòng, chống, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong mùa cạn sắp tới.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh: Đà Nẵng cần sớm có giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành nhà máy, ưu tiên bảo đảm nước sử dụng cho người dân. Đồng chí cũng đề nghị cần có những giải pháp tích trữ nước phù hợp cả ở các hồ chứa, hồ chứa nhỏ, các kênh và các hộ khai thác sử dụng nước ở hạ du… qua đó mong muốn tình trạng thiếu nước trong đợt hạn này và dự báo ở cả mùa hạn năm 2019 sẽ giảm đi phần nào.

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38255702-uu-tien-bao-dam-nuoc-cho-nguoi-dan-da-nang.html