Ưu tiên an toàn hồ đập mùa mưa bão

Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng hồ, đập thủy điện nhiều nhất cả nước. Trước mùa mưa bão, 'bài toán' làm sao ứng phó, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do thiên tai, đặc biệt ở các hồ, đập thủy điện đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.

Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng hồ, đập thủy điện nhiều nhất cả nước. Trước mùa mưa bão, “bài toán” làm sao ứng phó, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do thiên tai, đặc biệt ở các hồ, đập thủy điện đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan.

Phóng viên thực tế tại nơi xảy ra sự cố động đất gần các thủy điện.

Phóng viên thực tế tại nơi xảy ra sự cố động đất gần các thủy điện.

Rà soát lại tất cả thủy điện

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 46 dự án thủy điện (DATĐ) đã được phê duyệt với tổng công suất hơn 1.726MW, điện lượng bình quân hơn 6.500 triệu kWh/năm. Trong đó, bao gồm 10 DATĐ bậc thang được Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.156MW, điện lượng bình quân 4.444 triệu kWh/năm và 36 DATĐ vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt với tổng công suất hơn 570MW, điện lượng trung bình 2.205 triệu kWh/năm. Đa số các thủy điện này đều nằm trên khu vực sông Vu Gia, Thu Bồn. Thống kê, tổng diện tích đất chuyển đổi mục đích cho các DATĐ trên địa bàn tỉnh là hơn 12 nghìn héc-ta. Theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện, đa số các DATĐ này đều hoạt động bình thường, đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, theo ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng BCH PCTT và TKCN tỉnh thì không nên chủ quan mà phải đánh giá, lường trước được những tình huống xấu nhất xảy ra. Các chủ đập cần lên phương án phòng chống, khắc phục sự cố vỡ đập. “Không phải mưa lớn, lũ về mới vỡ đập mà đơn giản khi đang hoạt động bình thường nhưng bất ngờ có một cửa van gặp trục trặc cũng có thể xảy ra sự cố. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, rà soát quá trình hoạt động của các đập, kịp thời phát hiện những bất cập”, ông Tý cho hay.

Một giải pháp hữu hiệu đang được các ngành chức năng triển khai, xây dựng đó là việc gắn chuông cảnh báo an toàn hồ đập ở tất cả các DATĐ. Đồng thời, kích hoạt hệ thống tin nhắn khi có thông tin về thiên tai, cảnh báo mất an toàn thì văn phòng phòng chống lụt bão sẽ chủ động nhắn tin đến lãnh đạo tỉnh, huyện, thị xã, thành phố cũng như người dân vùng có nguy cơ. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối ở các DATĐ, theo Viện Khoa học thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên, việc dự đoán được các sự cố có thể xảy ra giúp chúng ta chủ động “né”, đồng thời có các phương án khắc phục hiệu quả. Làm được điều này, quan trọng nhất là cần siết chặt quản lý ở các DATĐ, không vì bất cứ lý do gì mà chủ quan, để xảy ra sơ hở gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài một số DATĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quản lý tương đối tốt thì vẫn còn một số chủ DATĐ còn chủ quan. “Các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường giám sát, theo dõi, đôn đốc các chủ hồ đập thực hiện các phương án an toàn. Riêng với việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo ở vùng hạ du cũng phải thường xuyên kiểm tra hiệu quả vận hành. Đặc biệt, phải rà soát lại tất cả các công trình, DATĐ từ quy mô, năng suất đến các trang thiết bị đo đạc khí tượng thủy văn”, ông Thanh nói.

Quảng Nam đang lên các phương án đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện mùa mưa bão.

“Xóa sổ” các thủy điện không cần thiết

Liên quan đến tình hình động đất xuất hiện thường xuyên, liên tục trên địa bàn Quảng Nam thời gian gần đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là động đất kích thích, do tích nước hồ chứa gây nên. Cụ thể, từ tháng 1-2017 đến 8-2018 trên địa bàn Quảng Nam xảy ra 69 trận động đất từ 2,5 – 3,9 độ Richter. Trong đó, chủ yếu là ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 và Phước Sơn, nơi có thủy điện Đắc Mi 3 và Đắc Mi 4. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện Trưởng Viện Vật lý địa cầu, tất cả các trận động đất đều xảy ra quy mô nhỏ, không gây thiệt hại gì nhiều. “Hiện, Viện đã đặt 10 trạm quan trắc liên tục tại các huyện miền núi về tình hình động đất. Tại huyện Phước Sơn thời gian gần đây cũng bắt đầu xảy ra động đất. Thống kê đã có 6 trận động đất xuất hiện trên địa bàn huyện. Thường các trận động đất có kèm theo tiếng nổ nên khiến người dân lo lắng, bất an”, ông Anh cho biết. Cũng theo ông Anh, vấn đề mực nước ở các hồ, đập thủy điện thay đổi, lên xuống bất thường cũng là nguyên nhân tác động đến động đất. Vì thế, để giảm thiểu thiên tai các chủ hồ, đập cũng cần đặc biệt lưu ý, điều chỉnh.

Vấn đề này, ông Thanh chỉ đạo, trong quá trình rà soát nên cho dừng ngay các DATĐ không cần thiết. Theo ông Thanh, quan điểm của tỉnh là chỉ chú trọng vào các DATĐ trọng tâm, siết chặt, hạn chế số lượng thủy điện càng ít nhưng “chất” thì càng tốt. “Những thủy điện nhỏ, không đảm bảo yêu cầu, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà điện năng cung cấp chẳng bao nhiêu thì nên cho dừng hoạt động. Không nên du di đến khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì khó khắc phục”, ông Thanh nhấn mạnh. Liên quan đến tình hình động đất, ông Thanh yêu cầu Viện vật lý địa cầu ngoài đo đạc, điểm đếm các trận động đất thì cần đưa ra những dự báo, cảnh báo về rủi ro thiên tai cho tỉnh cũng như người dân được biết. Bên cạnh đó, Viện cũng cần có những nghiên cứu, đánh giá chính xác nhất, rõ ràng nhất về mối quan hệ, ảnh hưởng của việc tích nước có tác động như thế nào đến động đất. Công trình nghiên cứu này, tỉnh “đặt hàng” Viện sớm hoàn thành để có cơ sở chủ động phòng chống rủi ro thiên tai trước mùa mưa bão.

Phi Nông

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_193712_.aspx