Ưu đãi thuế tại Việt Nam: Phạm vi áp dụng danh mục ngành nghề rộng, mức ưu đãi cao

Ưu đãi thuế cao, áp dụng trên phạm vi rộng đối với danh mục doanh nghiệp dễ dẫn đến việc giảm thu ngân sách Nhà nước bất bình đẳng doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, 27 ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư và 30 ngành nghề khuyến khích ưu đãi đầu tư bao gồm: Ngành ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ươm tạo công nghệ cao, sản xuất phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn chú trọng một số ngành nghề khác như trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng, nuôi trồng, chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản…

Năm 2013, mức thuế suất phổ thông thuế TNDN được giảm xuống 22% từ ngày 01/01/2014 và từ ngày 01/01/2016 là 20%. Cùng với đó, mức thuế suất ưu đãi 20% áp dụng đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đã được điều chỉnh giảm xuống còn 17% từ ngày 01/01/2016.

Với các điều chỉnh nói trên, các dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi đầu tư được áp dụng các thuế suất ưu đãi là 17%, 15% hoặc 10% tùy theo tiêu chí, như quy mô tạo việc làm, địa bàn, ngành nghề ưu đãi đầu tư. Thuế suất ưu đãi được áp dụng trong thời gian 10 năm hoặc 15 năm, kể từ khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư và có thể được gia hạn trong một số trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập trước thuế TNDN để thành lập Quỹ phát triển KHCN. Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

Các chính sách ưu đãi thuế trên đã có tác động tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, cùng với các ưu đãi thuế về địa bàn, ưu đãi theo từng hoạt động giao dịch, thì ưu đãi theo lĩnh vực, ngành nghề đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam được đánh giá đứng thứ 55/137 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017.

Chính sách ưu đãi thuế, cần phải đảm bảo minh bạch theo các tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận ưu đãi cũng như đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và quản lý của Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Chính sách ưu đãi thuế, cần phải đảm bảo minh bạch theo các tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận ưu đãi cũng như đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và quản lý của Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82/189 lên 68/190 của bảng xếp hạng). Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam đã được nâng từ mức ổn định lên tích cực trong năm 2017 (theo 3 tổ chức xếp hạng Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch). Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) tăng trong tháng 12/2017 lên 52,5 điểm cho thấy sự cải thiện mạnh trong lĩnh vực sản xuất và điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế còn giúp thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc áp dụng các ưu đãi thuế cùng với những hỗ trợ về đầu tư khác, những năm gần đây, quy mô vốn đầu tư toàn xã hội ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011-2015 ở mức 31,7% GDP và năm 2016 là 33,15% GDP. Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP.

Số lượng doanh nghiệp mới được thành lập của Việt Nam ngày càng tăng. Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 26,2% so với năm trước.

Tuy nhiên mức ưu đãi thuế ở Việt Nam tương đối cao và có phạm vi áp dụng khá rộng cả về danh mục ngành nghề ưu đãi. Ưu đãi thuế cao tương đương với việc giảm thu ngân sách nhà nước - NSNN. Năm 2016, tổng số tiền NSNN đã ưu đãi cho các doanh nghiệp là 64.278 tỷ đồng, tương đương 5,84% tổng thu NSNN năm 2016, trong đó ưu đãi thuế chiếm 81,8% tổng số ưu đãi. So GDP danh nghĩa 2016, tổng chi phí NSNN thực hiện ưu đãi tương đương 1,43%, ưu đãi thuế tương đương 1,17% (theo Trương Bá Tuấn, 2018).

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế với danh mục rộng như hiện nay dễ gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Khi xét đến mức độ tiếp cận ưu đãi thì doanh nghiệp FDI có cơ hội đạt được ưu đãi đầu tư nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. Mặc dù các chính sách thuế không phân biệt khu vực kinh tế, nhưng theo thống kê, 77,4% tiền thuế TNDN được ưu đãi là từ doanh nghiệp FDI (theo Trương Bá Tuấn, 2018).

So với các nước, danh mục ngành nghề ưu đãi của Việt Nam tương đối rộng và dàn trải, với 27 nhóm thuộc diện đặc biệt ưu đãi và 30 nhóm thuộc diện ưu đãi. Vì vậy, chính sách ưu đãi thuế nên xem là một trong những điều kiện cần trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế, cần phải đảm bảo minh bạch theo các tiêu chí rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận ưu đãi cũng như đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và quản lý của Nhà nước.

Trước hết cần phải rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi thuế đối với các ngành nghề hiện nay để xem xét ngành nghề nào thật sự cần ưu đãi. Cơ quan chức năng cần xây dựng những chính sách ưu đãi đủ mạnh và phù hợp hơn nữa đối với những ngành nghề cần được khuyến khích trong từng giai đoạn phát triển và cũng cần có lộ trình để đưa một số ngành nghề đã phát triển vững mạnh ra khỏi danh mục ưu đãi thuế, để cân bằng giữa lợi ích và chi phí ưu đãi thuế phải bỏ ra./.

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Quỳnh Chi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/uu-dai-thue-tai-viet-nam-pham-vi-ap-dung-danh-muc-nganh-nghe-rong-muc-uu-dai-cao-d430965.html