Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp: Đúng, trúng để đạt lợi ích cao nhất

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt là với doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cải cách tích cực, song hệ thống thuế hiện nay ở nước ta vẫn còn những bất cập. Để khắc phục, cần nghiên cứu đưa ra những chính sách ưu đãi thuế phù hợp để đạt lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất.

Chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước đối với doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới đối tượng nộp thuế, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với định hướng của Nhà nước hoặc chia sẻ với doanh nghiệp khi gặp khó khăn chịu thiệt hại ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế...

Nhờ được ưu đãi thuế, các công ty Samsung tại Việt Nam chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Sơn Hà

Theo nghiên cứu mới đây của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Oxfam (liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công), trong những năm gần đây, trung bình tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách. Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về quản trị Oxfam tại Việt Nam cho biết, riêng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP, tương ứng khoảng 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, ưu đãi thuế đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến và chế tạo, có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng, ưu đãi thuế đem lại những hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư. Chẳng hạn, các công ty Samsung tại Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm và kéo dài thêm 15 năm. Hiện các công ty Samsung chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, thu hút hàng trăm nghìn lao động. Rõ ràng nếu so sánh 10% ưu đãi thuế với 25% kim ngạch xuất khẩu, thì việc Việt Nam ưu đãi cho những doanh nghiệp như Samsung là hoàn toàn xứng đáng.

Ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết: Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17-5-2011 phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, trong đó yêu cầu phải rà soát ưu đãi thuế để minh bạch hóa, đơn giản hóa thuế. Trước đây, theo Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài theo chính sách: Doanh nghiệp trong nước nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 32%, nhưng doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải nộp 25%. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài đều được miễn thuế 4 năm đầu, giảm thuế 9 năm tiếp theo. Song, kể từ khi có Luật Đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như nhau.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Nội thất Quỳnh Chi Mai Văn Bằng cho rằng, đã đến lúc cần rà soát lại các chính sách thuế, đặc biệt là chính sách ưu đãi để tạo bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Cơ quan thuế có thể xem xét giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định để khuyến khích phát triển. Đối với những ưu đãi về thời gian miễn thuế và giảm thuế cần tính toán kỹ, tránh gây áp lực thu cho ngân sách.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), một số hình thức ưu đãi thuế đang trở thành “kẽ hở” để doanh nghiệp lợi dụng, trốn thuế như: Thành lập doanh nghiệp mới để hưởng ưu đãi thuế, hết thời hạn ưu đãi lại giải thể và thành lập doanh nghiệp khác; chuyển từ dự án không hưởng ưu đãi sang dự án hưởng ưu đãi... Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện ưu đãi với doanh nghiệp, trong đó có ưu đãi thuế. Điều này cho phép nâng cao lòng tin của doanh nghiệp với Nhà nước và là điều kiện cho hoạt động đầu tư dài hạn của doanh nghiệp.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/951864/uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-dung-trung-de-dat-loi-ich-cao-nhat