Ưu đãi phát triển các trung tâm logistics

Các hoạt động của trung tâm logistics hiện nay diễn ra khá đa dạng, có thể bao gồm hoạt động phục vụ hàng hóa như xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, phân loại hàng hóa; hoạt động vận tải như chuyên chở, thu gom, phân phối hàng hóa bằng các phương tiện vận tải hoặc hoạt động hỗ trợ như thông quan, tài chính, bảo hiểm, sửa chữa phương tiện và thậm chí cả dịch vụ lưu trú cho đối tác, khách hàng.

Các hoạt động của trung tâm logistics hiện nay diễn ra khá đa dạng, có thể bao gồm hoạt động phục vụ hàng hóa như xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, phân loại hàng hóa; hoạt động vận tải như chuyên chở, thu gom, phân phối hàng hóa bằng các phương tiện vận tải hoặc hoạt động hỗ trợ như thông quan, tài chính, bảo hiểm, sửa chữa phương tiện và thậm chí cả dịch vụ lưu trú cho đối tác, khách hàng.

Ðây chính là thành tố đặc biệt của hệ thống mạng lưới logistics, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa tối ưu hóa quá trình luân chuyển hàng hóa của cả ngành kinh tế, quốc gia, khu vực và cấp độ toàn cầu.

Tại Việt Nam, cùng với đà phát triển của ngành logistics, những năm gần đây, số lượng trung tâm logistics tăng trưởng khá nhanh, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với các nhóm cảng biển nước sâu như: Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trung tâm này thường có quy mô nhỏ lẻ, đầu tư manh mún, mang tính địa phương, hoạt động thủ công và thô sơ, ít có phương thức vận tải kết nối, chưa được quy hoạch đồng bộ. Mặt khác, tính liên hoàn giữa các trung tâm chưa cao, tiềm lực vật chất cũng như kỹ năng quản lý và điều hành toàn bộ chuỗi dịch vụ còn yếu. Ngoài ra, quỹ đất dành cho các trung tâm logistics đang dần bị thu hẹp, nhất là các quỹ đất liền kề đô thị, bến cảng, sân bay; do đó, ít có cơ hội phát triển các trung tâm logistics mới.

Thấy rõ tầm quan trọng của các trung tâm logistics, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1012/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ quan điểm cần phát triển các trung tâm logistics trở thành các trung tâm dịch vụ nòng cốt trong lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ đắc lực cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Cụ thể, khu vực miền bắc sẽ có bảy trung tâm logistics cấp 1, cấp 2 và một trung tâm chuyên dụng gắn liền với cảng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; khu vực miền nam sẽ phát triển sáu trung tâm cấp 1, cấp 2 và một trung tâm chuyên dụng hàng không; miền trung sẽ hình thành năm trung tâm cấp 1, cấp 2 và một trung tâm chuyên dụng hàng không. Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần tháo gỡ nhiều rào cản. Thứ nhất, các thủ tục hành chính quá phức tạp hiện nay chính là trở ngại lớn cho việc xây dựng các trung tâm logistics. Thứ hai, phạm vi hoạt động của logistics thường rất rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực nên việc phân mảng quản lý nhà nước về logistics hiện nay cũng tồn tại nhiều bất cập. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ về thể chế ở mức độ cao nhất và theo kinh nghiệm của các nước có hệ thống logistics phát triển, cần thành lập một ủy ban quốc gia chỉ đạo phát triển logistics được người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Ðồng thời, việc phát triển các trung tâm logistics đòi hỏi thời gian xây dựng dài và đầu tư lớn, cho nên rất cần các chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư như: ưu đãi về thuế, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp hay ưu đãi về vượt khung khấu hao,… Cuối cùng, phát triển trung tâm logistics không chỉ tập trung vào phần cứng là hạ tầng, mà còn cần phát triển cả phần mềm là các nhà quản lý nhà nước, nguồn nhân lực để quản trị, vận hành các trung tâm, nhất là trong hiện trạng thiếu hụt nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay.

Chí Công

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/uu-dai-phat-trien-cac-trung-tam-logistics-630766/