Ưu đãi cho dự án công nghiệp hỗ trợ: Đừng tràn lan

Chuyên gia cho rằng chính sách ưu đãi nên tập trung vào công nghiệp hỗ trợ sản xuất ra những chi tiết mang tính chất then chốt của chiếc ô tô.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Nhìn nhận đây là một trong nhiều chính sách được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra nhằm phát triển công nghiệp ô tô nói chung và công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô, các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn "giậm chân tại chỗ", công nghiệp hỗ trợ ô tô cũng không phát triển được, mới chỉ dừng ở những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp, gương, kính, ghế ngồi, ắc quy...

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ trước tiên phải xác định được mục tiêu đầu tư: phát triển cái gì? sản phẩm làm ra bán cho ai?

"Phải tham gia được vào dây chuyền sản xuất máy móc, thiết bị của các "ông lớn" ô tô.

Hiện các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đều coi nhập khẩu thiết bị, bộ phận, linh phụ kiện sẵn có từ các quốc gia khác là phương án tối ưu nhất và thường nhà máy sản xuất các bộ phận, linh phụ kiện đó đã nằm trong dây chuyền của một hệ thống sản xuất mang tính chất toàn cầu. Việt Nam muốn tham gia được vào đó không hề đơn giản và cần quá trình đàm phán lâu dài.

Muốn vậy, Việt Nam phải có doanh nghiệp đầu tàu, mang tính chất dẫn dắt, định hướng, có sản xuất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực xây dựng các nhà máy để đáp ứng yêu cầu", ông Thịnh nói và dẫn trường hợp của Vinfast làm ví dụ. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản xuất 500.000 ô tô/năm và với sản lượng này đương nhiên không chỉ để bán trong thị trường Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu.

Nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô

Nhà nước có nhiều chính sách để thúc đẩy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện, phụ tùng ngành ô tô

Khi đó, họ mong muốn các doanh nghiệp có thể cung cấp được các vật tư, các linh phụ kiện hỗ trợ cho việc sản xuất xe ô tô. Họ mời các nhà đầu tư đến đặt nhà máy ở khu Vinfast để phát triển và cung cấp sản phẩm lâu dài cho họ. Đương nhiên, khi muốn xuất khẩu thì Vinfast phải sản xuất được những chiếc ô tô đạt chuẩn mực quốc tế, như thế thì các bộ phận, linh kiện cũng phải đạt các chuẩn mực quốc tế, từ đó giúp cho công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Cho rằng ưu đãi về thuế cũng có tác dụng quan trọng đối với doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, quan trọng nhất vẫn phải là đầu ra, phải có thị trường tiêu thụ đủ lớn thì nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư, xây dựng doanh nghiệp.

Cùng với đó, theo ông, phải xác định rằng ưu đãi thuế là ưu đãi cho những doanh nghiệp sản xuất các bộ phận, linh kiện cung cấp cho ngành ô tô chứ không phải là cho doanh nghiệp lắp ráp ô tô. Ưu đãi thuế giúp giảm phần nào chi phí sản xuất linh phụ kiện của doanh nghiệp, dẫn tới hạ giá thành và như vậy doanh nghiệp lắp ráp ô tô được hưởng lợi khi sử dụng những chi tiết, linh kiện ấy.

Ngoài ra, ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ thì nên ưu đãi tràn lan hay chỉ tập trung vào một số công nghiệp hỗ trợ then chốt - những chi tiết quan trọng tạo nên "linh hồn" của chiếc ô tô cũng là câu hỏi được vị chuyên gia đặt ra.

"Chẳng hạn, có nên ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất săm, lốp hay không? Như đã nói, Việt Nam đang khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ và ngay cả việc sản xuất săm, lốp cũng không đơn giản dù nhiều ý kiến cho rằng hàm lượng công nghệ trong đó thấp, bởi để làm ra được sản phẩm săm, lốp đạt chuẩn quốc tế, được các doanh nghiệp ô tô chấp thuận là không đơn giản.

Nhưng chúng ta nên ưu tiên cho công nghiệp hỗ trợ nào? Nên chăng có sự ưu tiên, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất những bộ phận, chi tiết quan trọng của chiếc ô tô như động cơ, hệ thống điện tử...

Tất nhiên việc này cần có nghiên cứu cụ thể và phải có người hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực đó", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thay vì hỗ trợ tràn lan, Nhà nước nên khuyến khích, ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất những chi tiết then chốt, mang tính chất linh hồn của chiếc ô tô như động cơ, hệ thống truyền lực... để giảm giá thành và giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giúp Việt Nam chủ động được sản phẩm của mình.

Ông nêu rõ, nếu doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của Việt Nam xây dựng những nhà máy, tổ hợp phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng nêu trên thì Nhà nước nên hỗ trợ. Tương tự, nếu doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào ngành ô tô Việt Nam thì cũng phải thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói trên và Nhà nước cũng chỉ ưu đãi cho phần công nghiệp hỗ trợ đó mà thôi. Đương nhiên Nhà nước phải có điều kiện để ràng buộc FDI.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/uu-dai-cho-du-an-cong-nghiep-ho-tro-dung-tran-lan-3421006/