'Ưu ái' giao đất rừng thần tốc, doanh nghiệp được thể làm liều

UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định 854 giao 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ cho Doanh nghiệp tư nhân số 6. Trong 9,8ha đất nói trên thì có 8ha rừng Trẩu được trồng theo Chương trình 327 đã khép tán, nay chỉ còn lại một số cây Trẩu lưa thưa xen lẫn cây vối bản địa cộng sinh...

Liên quan đến vụ việc ngày 8/8/2006, UBND tỉnh Điện Biên có Quyết định 854/QĐ-UBND giao 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ cho Doanh nghiệp tư nhân số 6. Trong 9,8ha đất nói trên thì có 8ha rừng Trẩu được trồng theo Chương trình 327 đã khép tán, nay chỉ còn lại một số cây Trẩu lưa thưa xen lẫn cây vối bản địa cộng sinh. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, số tiền ngân sách dành cho việc trồng 8ha cây Trẩu tại thuộc hai thửa đất lô 37(8) và lô 37(9) là bao nhiêu? Có hay không rừng Trẩu đã khép tán hay chỉ là bàn giao “khống” trên giấy? Nếu có thì giờ đây rừng Trẩu đã khép tán bị bàn tay nào “phù phép” biến mất? Quá trình bàn giao giữa UBND tỉnh Điện Biên và Doanh nghiệp tư nhân số 6 có hồ sơ kiểm đếm trữ lượng cây, mật độ cây, loại cây, bàn giao thực trạng không?

Các cơ quan quản lý và bảo vệ rừng Điện Biên nói gì?

Trao đổi với phóng viên về thông tin liên quan đến khu rừng Trẩu khép tán 8ha nói trên, bà Trần Thị Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh tại Điện Biên cho biết trước thời điểm Công ty Giống Lâm nghiệp Trung ương cổ phần hóa thì bà giữ chức vụ Kế toán trưởng của Xí nghiệp giống Lâm nghiệp vùng Tây Bắc, do vậy bà khẳng định trên khu đất lô 37(8) và 37(9) tiểu khu 713 trước kia là khu vực rừng trồng Trẩu đã khép tán của Xí nghiệp được giao quản lý và sau này là bàn giao lại cho Doanh nghiệp tư nhân số 6. “Trong những năm làm quản lý tại Xí nghiệp, tôi cũng đã trực tiếp đi rừng tại khu vực đó nhiều lần” - bà Phương nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 1343/QĐ-UB ngày 25/9/2001 của UBND tỉnh Lai Châu (trước khi tách tỉnh- PV) về việc thu hồi 65ha đất lâm nghiệp của Lâm trường Điện Biên tại địa bàn phường Him Lam và xã Noong Bua của thị xã Điện Biên Phủ giao cho Công ty giống Lâm nghiệp Trung ương xây dựng các công trình lâm sinh, thì khoảng cách đất ven hồ Huổi Phạ từ mặt nước lên 300m tại vị trí các lô đất này phải được trồng cây lâm nghiệp và trong sản xuất không được sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.. làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và nguồn nước của hồ. Được biết, hiện nay chưa có văn bản nào thay thế Quyết định trên nên nó vẫn còn nguyên cơ sở pháp lý. Nhưng hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường thì khu vực ven hồ Huổi Phạ đã bị cải tạo thành vườn hoa, khu vui chơi.

 Khu vườn hoa ven hồ Huổi Phạ. Ảnh: H.L

Khu vườn hoa ven hồ Huổi Phạ. Ảnh: H.L

Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho rằng về nguyên tắc khi giao rừng cho doanh nghiệp quản lý thì sẽ có biên bản và sự chứng kiến của đơn vị kiểm lâm, cũng như sẽ có các số liệu đánh giá chi tiết về hiện trạng, mật độ cây trồng…Nhưng thực tế tại thời điểm làm việc với phóng viên, phía đơn vị kiểm lâm vẫn chưa tìm thấy các văn bản hồ sơ lưu trữ về việc giao nhận này.Ông Hải cũng cho biết thêm, về phân cấp quản lý thì dưới Chi cục thì có hạt kiểm lâm, nên nếu để sự việc xảy ra thì trách nhiệm trước hết thuộc về Hạt kiểm lâm Thành phố.

“Hiện nay, về cơ bản rừng chúng tôi đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thông bản trên địa bàn tình bảo vệ, trông nom, chăm sóc quản lý cụ thể theo rõ hiện trạng rừng là rừng gì, trạng thái như thế nào, nằm ở khu vực nào để trên cơ sở đó chúng tôi chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân được hưởng.

Hiện giao cho các doanh nghiệp, thì về nguyên tắc đã có rừng thì chỉ giao để bảo vệ và trông thêm, phát triển rừng, còn muốn làm gì thì phải xin phép tỉnh, cụ thể, nếu muốn làm gì trên 9,8ha thì phải xin phép…Để làm rõ sự việc, tôi sẽ lấy hồ sơ tại lâm trường và xem xét hồ sơ thiết kế trồng rừng cũng như tiền chi trả hàng năm cho công tác chăm sóc bảo vệ rừng” - ông Hải nhấn mạnh.

Còn theo ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên khẳng định: "Doanh nghiệp tư nhân số 6 chưa có bất cứ thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này. Toàn bộ diện tích năm 2006 mà UBND tỉnh giao cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 đã được qui hoạch là rừng sản xuất. Vì vậy nếu muốn chuyển đổi sang mục đích khác, doanh nghiệp phải làm tờ trình để cơ quan chuyên môn trình UBND tỉnh để xem xét chuyển đổi". Nếu Doanh nghiệp tư nhân số 6 muốn xin chuyển đổi mục đích sử dụng thì Chi cục Phát triển Lâm Nghiệp phải nhận được tờ trình của doanh nghiệp và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trình UBND tỉnh xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng.

Rừng Trẩu đã khép tán không thể tự dưng biến mất

Phản hồi về nghi án tự ý chặt phá diện tích rừng trẩu mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, Doanh nghiệp tư nhân số 6 cho rằng đã có đơn đề nghị và được giao thêm quản lý 8ha rừng sản xuất và 9,5 ha đất nương của người dân khai hoang để làm khu du lịch (kèm theo quyết định 852/QĐ-UBND tỉnh ngày 8/8/2006 về việc thu hồi đất tại địa bàn xã Thanh Minh và phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ). Năm 2006, công ty cùng chính quyền địa phương đền bù và bồi thường đầy đủ cho người dân theo các quyết định thu hồi của từng người dân.

Tuy nhiên, làm việc với PV, đại diện Chi cục phát triển Lâm nghiệp tỉnh Điện Biên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã cung cấp tiếp hồ sơ cho phóng viên chứng minh điều đó không có căn cứ. Theo đó Quyết định 852/QĐ-UBND chỉ là quyết định thu hồi diện tích gần 20ha chứ không hề có nội dung giao đất này cho Công ty TNHH TM&XD số 6.

Tại Quyết định 853/QĐ-UBND ngày 8/8/2006, UBND tỉnh Điện Biên giao hơn 9,7ha cho Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 6 thuê để xây dựng khu nhà nghỉ dạng biệt thự ven hồ; xây dựng công viên cây xanh và vườn thú; xây dựng đường dạo ven hồ; ...trong khi doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục pháp lý về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Còn với Quyết định 854/QĐ-UBND ngày 8/8/2006, UBND tỉnh Điện Biên giao hơn 9,8 ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ cho Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 6. Mục đích sử dụng là: Khoanh nuôi, trồng bổ sung và chăm sóc rừng. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ tháng 8/2006.

Khu vực đất được giao theo quyết định 854 là nơi người dân và các cơ quan báo chí đã phản ánh việc Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 6 phá rừng trẩu, xây dựng khu vui chơi giải trí.

Từ mặt nước lên 300m tại vị trí các lô đất này phải được trồng cây lâm nghiệp, nhưng nay đã biến thành khu vui chơi. Ảnh: H.L

Theo Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 23 về Thi hành luật bảo vệ và phát triển rừng của Chính phủ năm 2006 quy định rõ về việc thống kê rừng, kiểm kê rừng như sau: Thống kê rừng là việc ghi chép, tổng hợp diện tích, trạng thái các loại rừng trên sổ sách và được thực hiện hàng năm. Kiểm kê rừng là việc kiểm tra, đối chiếu giữa số liệu ghi chép trên sổ sách thống kê, trên bản đồ với diện tích rừng được giao, được thuê trên thực địa và được thực hiện năm (5) năm một lần và vào các năm có số hàng đơn vị là số không (0) hoặc số năm (5). Còn theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 40 Nghị định này về theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Nội dung theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bao gồm: thay đổi về diện tích rừng, trữ lượng rừng, chất lượng rừng, số lượng và thành phần các loài thực vật rừng, động vật rừng. Sự thay đổi của rừng trong mối quan hệ với những yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, phát hiện những quy luật diễn biến tài nguyên rừng.Việc đánh giá theo dõi diễn biến tài nguyên rừng được thực hiện thường xuyên và được công bố năm (5) năm một lần.

Vậy mà Đoàn kiểm tra thực địa của UBND thành phố và các cơ quan chức năng Điện Biên chưa thể xác định được mốc giới rừng đã giao cho Doanh nghiệp số 6 vào năm 2006 do đó chưa thể đo, kiểm đếm, lập ô tiêu chuẩn để đo đếm số lượng cây trong ô, từ đó đánh giá trữ lượng rừng. Điều đó, khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực quản lý, trách nhiệm của các cơ quan tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Lò Văn Yêu (trú tại tổ 1 xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ) cho biết: Trước đây gia đình tôi là quản lý, bảo vệ khu rừng này rất tốt, thời điểm đó rừng trẩu bao quanh khu vực hồ Huổi Phạ. Năm 2001 khi nhà nước thu hồi diện tích rừng trẩu giao cho Xí nghiệp Giống cây trồng vùng Tây Bắc gia đình tôi tiếp tục được Xí nghiệp giao cho khoanh nuôi, bảo vệ. Năm 2006 nhà nước tiếp tục thu hồi, giao lại cho Doanh nghiệp số 6. Diện tích rừng trẩu bị phá diễn ra cuối năm 2017, đầu năm 2018. Thời điểm tháng 1/2018 có khoảng 70 người đến chặt hạ Trẩu, họ đưa cả máy xúc đến san ủi, làm đường dạo quanh hồ.

Máy xúc hoạt động bên cạnh khu vui chơi ven hồ. Ảnh: H.L

Như vậy, có thể nhận thấy khu rừng Trẩu khép tán rộng 8ha nằm trên khu đất lô 37(8) và 37(9) tiểu khu 713 thuộc tại địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ là có thật và tồn tại trên thực tế. Vậy, vì sao cho đến thời điểm này khu rừng Trẩu được trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với những mục đích tốt đẹp bảo vệ sinh thái, chống xói mòn đất dường như không còn? Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật, vừa qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có Công điện khẩn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, phành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW.

Theo đó, cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát; Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng; kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền. Dư luận đang chờ đợi sự nghiêm minh, khách quan của Lãnh đạo tỉnh Điện Biên trong việc xem xét, đánh giá, xử lý vụ việc này đúng người, đúng pháp luật.

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Hoàng Long

Theo Khoản 2, Điều 85 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định:

Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép sử dụng rừng, khai thác lâm sản; thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/uu-ai-giao-dat-rung-than-toc-doanh-nghiep-duoc-the-lam-lieu-59015.html