Út 'trọc': Lỗi này không thuộc về cá nhân bị cáo mà thuộc về… tổ chức

Trình bày trước HĐXX Tòa án Quân sự Trung ương tại phiên xử phúc thẩm sáng 30/10, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') cho rằng các bị cáo khác đã cố tình vu khống cho mình.

HĐXX Tòa án Quân sự Trung ương.

Tại thời điểm vi phạm, Đinh Ngọc Hệ là Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P., đã mua, đăng ký 23 xe biển quân sự; 15 xe biển xanh 80A và một số biển xanh 80M; trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm (cựu Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) ký hợp đồng thế chấp, cho thuê, cho mượn các xe nói trên.

Tại phiên tòa, Út “trọc” vẫn khẳng định việc cho mượn xe là để phục vụ mục đích ngoại giao của công ty. Khi giao xe cho các tổ chức, cá nhân mượn, “họ đều là những cá nhân tốt, các tổ chức đều là những tổ chức làm ăn chân chính. Quá trình sử dụng xe, các tổ chức, cá nhân đều không vi phạm pháp luật, không chở hàng cấm, nên việc cáo buộc làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội là không đúng”.

“Việc đơn thư tố cáo là vu khống tôi. Tôi được Tổng Công ty Thái Sơn giao trọng trách và cũng không được hưởng lợi gì từ việc cho mượn xe, cũng không có cổ phần tại các công ty đó. Tôi đã xin phép Tổng công ty và được chấp thuận. Tôi làm theo chỉ đạo và Nghị quyết của HĐQT, có sự nhất trí của Ban TGĐ điều hành, và cũng đã hỏi ý kiến anh Thắm (Phùng Danh Thắm – cựu TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn)”, Đinh Ngọc Hệ nói về hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe biển xanh, xe biển quân sự dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và quân đội.

Đinh Ngọc Hệ phủ nhận lời khai của người khác về vai trò của mình.

Đối với hành vi lập khống hồ sơ để hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, bị cáo Hệ khẳng định bản thân “không hề biết” việc này.

Các cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo chỉ đạo lập hợp đồng khống, nhưng bị cáo đã khai là không biết việc này. Hệ cho rằng ông Bùi Văn Tiệp (cựu Đại tá quân đội, cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân, người trước đó đã bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 24 tháng tù treo) đã vu khống cho mình khi khai với cơ quan điều tra chính Hệ là người nhờ Tiệp đứng ra nhận số xăng dầu kém chất lượng là của Sư đoàn 367 gửi.

Không chỉ tố ông Tiệp, Đinh Ngọc Hệ còn tố thuộc cấp của mình là bị cáo Trần Văn Lâm đã vu cáo cho mình: “Chỉ có mình Lâm nhờ anh Tiệp và trực tiếp làm việc với anh Tiệp. Anh Trần Văn Lâm cũng hoàn toàn vu khống cho bị cáo. Tất cả lời khai của anh Lâm là hoàn toàn mâu thuẫn”.

“Anh Lâm có khai anh Lâm và anh Sơn (Trần Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Chi nhánh Bình Dương, CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) lên làm việc với Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương và được Quản lý thị trường hướng dẫn làm hợp đồng khống, sau đó anh Lâm về báo cáo lại với bị cáo và lập hợp đồng khống. Nhưng thực tế bị cáo không hề biết việc này”.

Về nội dung này, tại cơ quan điều tra, ông Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) khai Đinh Ngọc Hệ có gọi điện nhờ ông Cung can thiệp để Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương không xử phạt CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P Chi nhánh Bình Dương về hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, Đinh Ngọc Hệ khẳng định: Từ trước đến giờ bị cáo chưa nhờ anh Lê Thanh Cung bất cứ việc gì và cũng không gọi điện cho anh Cung bất cứ việc gì. Trước đó, bị cáo có gặp ông Cung 2 lần, trong đó có dẫn theo Trần Văn Lâm và giới thiệu “đây là anh Lâm, Giám đốc điều hành của em, sau này có việc gì mong anh giúp đỡ”.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng và giấy tờ giả để kê khai hồ sơ đảng viên, đề nghị nâng lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm, vào năm 2000, Đinh Ngọc Hệ đã mua Bằng tốt nghiệp đại học Đại học Kinh tế Quốc dân giả với giá 2.500.000 đồng. Từ năm 2003 đến tháng 4/2016, trong quá trình công tác tại các đơn vị, Đinh Ngọc Hệ đã nhiều lần sử dụng bản sao bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân và bảng điểm giả nói trên để làm thủ tục nâng lương, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, kết nạp đảng viên, bổ nhiệm cán bộ. Hồ sơ lý lịch của Đinh Ngọc Hệ lưu tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Cục quân lực, Cục cán bộ có lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng Bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân giả.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hệ cho rằng lỗi này không thuộc về cá nhân bị cáo mà thuộc về… tổ chức. Theo bị cáo, năm 2000, bị cáo tin tưởng vào “anh em xã hội” nên đã đi mua bằng Đại học giả. Khi được chuyển bị về công tác tại Tổng Công ty Thái Sơn, cơ quan tổ chức cũng đã biết việc này. "Đến tháng 3/2014, bị cáo đã có được bằng Đại học “xịn”, nhưng vì năm 2010 tổ chức kê sai. Năm 2011 bị cáo hưởng bậc 8/10 nhưng tổ chức đã kê khai bậc 9/10 để thăng quân hàm cho bị cáo từ Trung tá lên Thượng tá mà chưa đến niên hạn" - Út "trọc" phân trần.

Hệ cho rằng chính việc tổ chức kê sai mới dẫn đến việc bị cáo phải chịu hình phạt tù về tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.

“Do việc kê khai sai ngay từ đầu nên năm 2014 bị cáo đã có bằng Đại học thật rồi nhưng cơ quan tổ chức không đưa bằng Đại học thật vào mà lại đưa bằng Đại học giả vào hồ sơ của bị cáo. Nếu họ làm đúng thì bị cáo không đến nỗi như ngày hôm nay”, Đinh Ngọc Hệ nói.

Sau phần xét hỏi Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ, HĐXX đã đặt câu hỏi với Người làm chứng là ông Cung Đình Minh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (thời điểm xảy ra vụ án ông Minh làm Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng). Đáp lại HĐXX, ông Minh khẳng định hầu hết những lời khai của Đinh Ngọc Hệ là không đúng sự thật.

“Anh Hệ khai xin ý kiến Tổng Công ty (về việc sử dụng xe sai mục đích) là sai. Việc sử dụng cho thuê xe, anh Hệ nói đã thông qua Hội đồng quản trị cũng là sai”, ông Cung Đình Minh nói.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ut-troc-loi-nay-khong-thuoc-ve-ca-nhan-bi-cao-ma-thuoc-ve-to-chuc-post280266.info