USD lên đỉnh cao mới: Đợt biến động lớn, lập kỷ lục hiếm có

Đồng USD liên tục tăng giá những ngày gần đây và lập đỉnh cao mới sau một thời gian ổn đỉnh kéo dài. Cú tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại nhưng các chuyên gia và nhà quản lý vẫn khá bình tâm.

Dồn dập tăng giá

Sau một thời gian ổn định kéo dài trong cả năm 2018 và cả quý 1/2019, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng vọt trong tuần này, tổng cộng lên thêm khoảng 150 đồng, từ mức ổn định 23.150-23.250 trước đó lên 23.300-23.330 đồng (mua) và 23.420-23.450 đồng (bán) như hiện tại.

Đầu giờ sáng ngày 9/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tăng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ thêm 6 đồng so với phiên liền trước, lên 23.051 đồng đổi 1 USD. Tính trong 3 tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 55 đồng (từ mức 22.986 đồng hôm 22/4).

Đầu giờ sáng 9/5, đa số các ngân hàng tiếp tục nhích nhẹ giá mua và bán đồng USD sau khi đã tăng mạnh trong hai hôm mùng 7 và 8/5. Vietcombank và BIDV niêm yết ở mức: 23.300 đồng (mua) và 23.420 đồng (bán). Vietinbank: 23.302 đồng (mua) và 23.422 đồng (bán). ACB: 23.330 đồng (mua) và 23.420 đồng (bán). Cá biệt, một số nơi có lúc đã tăng giá bán USD lên mức 23.450 đồng.

Tỷ giá USD tại nhiều ngân hàng thậm chí còn vượt giá mua bán USD trên thị trường tự do.

Thống kê cho thấy, đây là đợt giá USD tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng mạnh hiếm có trong 2 năm qua.

Tỷ giá USD/VND tăng lên mức kỷ lục mới.

Tỷ giá USD/VND tăng lên mức kỷ lục mới.

Sở dĩ đồng USD tăng giá mạnh những phiên vừa qua, theo nhiều chuyên gia, là kết quả của sự cộng hưởng nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thị trường tài chính thế giới tác động đến tâm lý trong nước là khá lớn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, USD tăng là do cầu tăng trong ngắn hạn. Trước đó, kỳ vọng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sớm kết thúc đã khiến nhiều ngân hàng bán khống đồng USD, giờ thế giới đảo chiều, lực mua USD interbank tăng trở. Đây cũng có thể là lý do khiến tỷ giá chính thức cao hơn OTC. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ là ngắn hạn.

Giá USD tăng còn được cho là do nhu cầu USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu tăng lên và đầu tháng 5 là thời điểm chính sách thu hẹp đối tượng được vay USD theo Thông tư 42 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.

Thay vì được vay thì nhiều đối tượng sẽ phải chuyển sang hình thức mua bán đồng USD. Đây là lý do khiến nhu cầu mua ngoại tệ tăng, góp phần kéo giá đồng USD đi lên. Tuy nhiên, bước đi này theo đánh giá của các chuyên gia là hợp lý và nhu cầu USD tăng lên cũng chỉ là trong ngắn hạn.

Yếu tố chính được nhiều chuyên gia đề cập vẫn chính là ảnh hưởng tâm lý sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo chiều, quyết định sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy đồng NDT đi xuống, trong khi USD có xu hướng được mua vào nhiều hơn trên phạm vi toàn thế giới. Ảnh hưởng về tâm lý là khá lớn.

Sớm ổn định

Diễn biến đồng USD khá bất ngờ với nhiều nhà đầu tư nhưng không quá ngạc nhiên đối với nhiều chuyên gia và nhà tạo lập chính sách.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, nhìn nhận diễn biến tỷ giá tăng đột ngột gần đây đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có tác động về mặt tâm lý trên thị trường. Tuy nhiên, theo ông Hải, vài năm gần đây, NHNN đã linh hoạt và điều chỉnh thay vì neo giữ tỷ giá cố định như trước. Đây là yếu tố tạo cho thị trường niềm tin và tỷ giá sẽ sớm ổn định trở lại.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây áp lực lớn lên thị trường tài chính quốc tế.

Trên thực tế, từ đầu năm tới nay, mặc dù thanh toán trên thị trường ngoại hối rất tốt, NHNN vẫn mua vào được nhiều USD cho dự trữ nhưng cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ và tỷ giá vẫn chủ động để giá đồng USD đi lên, tạo dư địa chính sách.

Cách đây 3 tuần, NHNN cũng đã bất ngờ nâng tỷ giá trung tâm lên mức cao kỷ lục, trên ngưỡng 23 ngàn đồng, một diễn biến được xem là chủ động và nằm trong tính toán của cơ quan này.

Ngay trong ngày đầu tiên năm 2019, NHNN cũng có một quyết định bất ngờ: tăng giá mua đồng USD tại Sở giao dịch thêm 500 đồng, từ mức 22.700 đồng lên 23.200 đồng như một biện pháp điều hành chủ động theo tín hiệu quốc tế.

Theo ông Hải, về mặt cơ bản thì nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, trong khi cung cầu ngoại tệ không có biến động đột biến. Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận ngoại tệ. Vấn đề thanh khoản được đảm bảo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2019 NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, và diễn biến thị trường. Đặc biệt, NHNN cũng sẽ và có đầy đủ biện pháp, công cụ để can thiệp thị trường ngoại tệ bất cứ khi nào cần thiết để ổn định thị trường. Theo bà Hồng, tỷ giá VND/USD chỉ biến động khoảng 2% trong năm 2019.

Trong năm 2018, hầu hết đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước phải giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp. Tuy nhiên, tỷ giá trong nước diễn biến khá ổn định và chỉ tăng khoảng 2,2-2,3%.

Trên thế giới, đồng USD được dự báo cũng sẽ không tăng mạnh bởi Fed vẫn duy trì thái độ khá thận trọng, chưa tính đến kế hoạch tăng hay giảm lãi suất.

V. Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/usd-len-dinh-cao-moi-dot-bien-dong-lon-lap-ky-luc-hiem-co-529984.html