'Us': Sững sờ và suy nghiệm

Vượt ra ngoài khuôn khổ một bộ phim hù ma dọa quỷ thông thường, Us phản ánh một hiện thực bất ổn của nhân loại trong thế kỷ XXI

Từ một phim kinh phí thấp, "Us" (tựa tiếng Việt: "Chúng ta", ra rạp từ ngày 22-3) đã vươn lên dẫn đầu doanh thu phòng vé Bắc Mỹ vượt mặt các phim "bom tấn", chứng tỏ nhiều khi sự hoành tráng không làm nên một bộ phim hay.

Cảnh trong phim “Us” (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Cảnh trong phim “Us” (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

"Us" bắt đầu bằng sự mất tích trong 5 phút của cô bé Adelaide Wilson, để rồi rất nhiều năm sau này, khi Adelaide đã có một gia đình êm ấm thì những ám ảnh quá khứ lại trỗi dậy đeo bám cô…

Doppelgänger - từ gốc Đức có nghĩa là "kẻ song trùng", chỉ một dạng bản sao của người đang sống, thường mang điềm xấu, nhiều khi là điềm báo tử. "Kẻ song trùng" là nguồn cảm hứng lâu dài trong nghệ thuật. Ngay cả tên nhân vật chính Adelaide Wilson cũng được lấy cảm hứng từ nhân vật William Wilson trong truyện ngắn cùng tên của đại văn hào Mỹ Edgar Allan Poe, một truyện ngắn lấy ý tưởng từ hiện tượng "kẻ song trùng".

Không chỉ riêng chi tiết này, "Us" được tạo nên bởi hàng loạt những biểu tượng ẩn dụ được cài cắm khéo léo và thông minh. Là một bộ phim kinh dị bạo lực và máu me nhưng những thứ khiến người xem dựng tóc gáy chính là cái không khí cứ nặng dần cùng với đó là nỗi sợ hãi đến từ từ như một tiếng vọng, tiếng bước chân và những cuộc giằng co sinh tử.

Âm nhạc đóng vai trò như một nhân vật vô hình, như một thứ tín hiệu điều khiển không khí của phim, ma quái, nhức nhối và đôi lúc khiến chúng ta khó chịu. Nó như một sự tiên báo cho những gì đang sắp diễn ra, khiến chúng ta nhớ đến lối kể chuyện của Alfred Hitchcock. Với những bộ phim kinh dị Hollywood vào cái thời mà kỹ xảo còn hạn chế, các đạo diễn phải dồn sức vào kịch bản để có thể mong câu chuyện, bằng chính nó, đã khơi dậy nỗi sợ cho khán giả. Biên kịch và đạo diễn Jordan Peele lần nữa với "Us" đã chứng minh rằng yếu tố kịch bản đóng vai trò then chốt trong một bộ phim kinh dị hơn là những kỹ xảo chỉ đơn giản là hù dọa. Jordan Peele được biết đến nhiều trên mạng bởi những video hài châm biến ông cùng làm với người bạn thân của mình. "Us" bảo lưu sự châm biếm đó trong một bộ phim kinh dị nhưng cũng không thiếu vắng tiếng cười này.

Có nhiều cách khác nhau để lý giải những hình tượng xuất hiện trong "Us". Nhưng khán giả khi xem phim có thể thấy ngay chủ đề lớn mà Jordan Peele muốn nói đến chính là vấn đề nhập cư, bản thân nữ chính từng đoạt giải Oscar Lupita Nyong’o cũng là một người nhập cư gốc Kenya. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh trở đi trở lại như những con thỏ bị nhốt trong cũi, những phó bản sống vật vờ dưới những đường hầm. Và có lẽ gây ám ảnh nhất chính là những hàng người nắm tay nhau thành một dây xích người.

Cảnh hàng người nắm tay nhau trong "Us" được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật ở Mỹ năm 1986: Hands Across America, khi khoảng 6,5 triệu người Mỹ nắm tay nhau dọc theo các tuyến đường xuyên quốc gia này. Nó cũng gợi nhớ đến bức tường mà Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn dựng lên dọc biên giới Mexico. Chính các phó bản sống cuộc đời chui nhủi đã quyết định làm một cuộc cách mạng diện rộng, giết chết các bản chính, vũ khí của họ là chiếc kéo, nó gần như là một biểu tượng của sự chia lìa, đứt đoạn. Jordan Peele như muốn tiên báo về một xã hội tương lai nếu như những người nhập cư bị ép đến đường cùng thì một thời đại hỗn loạn sẽ ra đời.

Vượt ra ngoài khuôn khổ một bộ phim hù ma dọa quỷ thông thường, "Us" phản ánh một hiện thực bất ổn của nhân loại trong thế kỷ XXI. Phải chăng "Us" chính là một cách viết tắt của United State (Hợp Chúng Quốc), rằng "chúng ta" là "hợp chúng quốc", rằng kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta chính là chúng ta, rằng chúng ta là những mắt xích không thể tách rời bất kể màu da hay xuất thân nào đi nữa.

Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/us-sung-so-va-suy-nghiem-20190330205640417.htm