UPS tăng cường kết nối thương mại toàn cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam

Những chuyến bay đầu tiên của UPS, với điểm đến là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển quốc tế lên đến một ngày và gia tăng khối lượng cũng như tốc độ giao hàng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các chuyến bay của UPS sẽ giúp cải thiện tốc độ giao hàng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: UPS Việt Nam

Các chuyến bay của UPS sẽ giúp cải thiện tốc độ giao hàng cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: UPS Việt Nam

Máy bay Boeing 767F thân rộng mang biểu tượng “Browntail” của UPS đã hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 15/9 mang theo rất nhiều kiện hàng từ khắp nơi trên thế giới với đủ chủng loại hàng hóa từ các linh kiện điện tử tới hàng dệt may về các khu công nghiệp trong thành phố.

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ đón chào chuyến bay “Browntail” đầu tiên của UPS đến thủ đô vào ngày 19/9. Những chuyến bay mới, bao gồm Boeing 767F đến TP.HCM và Boeing 747F đến Hà Nội, sẽ cùng nhau phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng tại Việt Nam.

Ông Russell Reed, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam và Thái Lan, chia sẻ, những chuyến bay này là lời khẳng định rằng Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển với những dấu ấn trên thị trường thương mại toàn cầu, sau bước ngoặt khi ký kết các thỏa thuận thương mại như EU. Với mạng lưới logistics thông minh có mặt trên toàn thế giới, UPS nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp trong hành trình tiến ra thị trường quốc tế.

Theo ông Russell Reed, Việt Nam, với lực lượng lao động năng động, nền kinh tế thị trường được tự do hóa cùng vị trí chiến lược, sẽ trở thành một cơ sở sản xuất và liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ở hiện tại và cả tương lai.

Với các chuyến bay của UPS, các doanh nghiệp trên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ cao giờ đây có thể nhận các lô hàng khẩn từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á đến Hà Nội và TP.HCM chỉ trong vòng một ngày. Các kiện hàng từ Úc, Châu Âu và Hoa Kỳ, vốn yêu cầu khắt khe về thời gian vận chuyển, có thể được giao chỉ trong vòng 2 ngày.

Như vậy, một cơ sở lắp ráp thiết bị điện tử tại Việt Nam có thể nhập khẩu vi mạch tích hợp từ một nhà cung cấp ở Đức nhanh hơn, đẩy nhanh chu kỳ sản phẩm của mình và cho phép hàng xuất khẩu và vận chuyển tới những khu vực nội địa khác của Châu Á một cách dễ dàng và chủ động hơn.

Chuyến bay tới Sân bay Tân Sơn Nhất có lộ trình bắt đầu và kết thúc tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, nơi đặt trụ sở lớn nhất của UPS ở châu Á. Chuyến bay hoạt động 4 ngày/tuần và kết nối Việt Nam với các cửa ngõ chính ở châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu thông qua Trung tâm của UPS tại Thẩm Quyến.

Trong khi đó, các chuyến bay của UPS đến Sân bay Hà Nội hoạt động vào thứ bảy hàng tuần và chạy theo tuyến đường Hoa Kỳ - châu Á, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong đường bay thương mại chiến lược này. Với việc bổ sung thêm đường bay tại Hà Nội, khả năng vận chuyển cũng sẽ tăng lên để phục vụ khách hàng có nhu cầu kết nối từ châu Á đến Mỹ một cách tốt hơn./.

Mai Lâm

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-16/ups-tang-cuong-ket-noi-thuong-mai-toan-cau-cho-cac-doanh-nghiep-viet-nam-92328.aspx