Uống trà đá có thể gây sỏi thận?

Ths. BS Ths. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện E Hà Nội, cho biết uống nhiều nước trà, đặc biệt là trà đá có nguy cơ gây sỏi thận...

Uống quá nhiều trà mạn, trá đá mỗi ngày dễ gây sỏi thận.

Uống quá nhiều trà mạn, trá đá mỗi ngày dễ gây sỏi thận.

Thói quen của không ít người, đặc biệt là vào mùa hè thường hay uống trà, trà đá vỉa hè. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nước chè (trà) nói chung và trà đá nói riêng có thể góp phần gây ra những cơn đau do sỏi thận, điều này thể hiện khá rõ với những người đã từng có sỏi thận lao động nặng nhọc ra nhiều mồ hôi lại ít uống nước...

Lý giải điều này, Ths. BS Ths. BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện E Hà Nội, giải thích về lý thuyết uống nhiều nước trà, trà đá có nguy cơ gây sỏi thận. Bởi vì trong trà khô chứa nhiều oxalat, một trong những hóa chất quan trọng dẫn đến sự hình thành sỏi thận.

“Nếu uống trà đặc kèm đá sẽ gây kết tủa thành nước cứng. Oxalat gắn với canxi ion tạo thành tinh thể sỏi trong điều kiện người đó uống ít nước, ra nhiều mồ hôi vì lao động nặng, không khí nóng bức....”, BS Đình Liên nhấn mạnh.

Trong khi đó, sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Sỏi thận có thể nhỏ hoặc lớn đến vài cm. Những viên sỏi lớn lấp đầy bể thận và các ống mang nước tiểu từ thận đến bàng quang (niệu quản) được gọi là sỏi san hô. Bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu – từ thận đến bàng quang của bạn.

Thông thường sỏi thận rất nhỏ nên chúng sẽ được tống ra ngoài theo đường nước tiểu mà không gây hại gì. Tuy nhiên, đôi khi những viên sỏi phát triển đủ lớn để mắc kẹt trong niệu quản, gây đau đớn và khó chịu.

Nguyên nhân phổ biến nhất của sỏi thận theo các bác sĩ là do uống không đủ nước. Trong mùa hè, khi mọi người có thể bị mất nước do đổ mồ hôi, tác động của mất nước kết hợp với uống nhiều trà đá có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận, đặc biệt ở những người đã có nguy cơ.

Mặc dù trà nóng cũng chứa oxalat, nhưng theo các chuyên gia của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chúng ta rất khó uống đủ lượng để gây ra sỏi thận. Số liệu từ Hiệp hội Trà Hoa Kỳ cho thấy khoảng 85% trà được tiêu thụ ở Hoa Kỳ là đá. So với phụ nữ, nam giới có nguy cơ bị sỏi thận cao gấp 4 lần và nguy cơ này tăng lên đáng kể đối với những người từ 40 tuổi trở lên.

Chuyên gia cũng khuyến cáo những người có nguy cơ bị sỏi thận nên giảm một số loại thực phẩm có chứa nồng độ oxalat cao, bao gồm rau bina, sô cô la, và các loại hạt, đồng thời ăn ít muối và thịt, uống vài cốc nước mỗi ngày và ăn các loại thực phẩm cung cấp đủ lượng canxi vì điều này làm giảm lượng oxalat mà cơ thể hấp thụ.

“Người dân nên uống lá trà xanh, đối với trà khô cũng không nên uống đặc. Khi pha trà mọi người nên dùng nước đã được lọc để tránh nước cứng. Uống trà (khô) nên theo cách nhâm nhi, buổi sáng 2- 3 chén là vừa; uống quá nhiều sẽ gây mất ngủ... Còn đối với nước trà xanh loãng thì người dân có thể uống 0,5-1lít/ ngày cũng không sao”, BS Đình Liên nhấn mạnh.

Đối với những người đang uống trà đá, những người đã bị sỏi thận, chuyên gia khuyên nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xem liệu đồ uống có thể là một yếu tố góp phần gây sỏi thận không, vì việc kiểm tra nồng độ oxalat trong máu khá đơn giản.

Mặc dù trà đá là thức uống phổ biến, tiện dụng với nhiều người nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên quá lạm dụng, thay vào đó nên uống trà xanh, nước lọc hoặc nước chanh để làm dịu cơn khát, có lợi cho sức khỏe.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/uong-tra-da-co-the-gay-soi-than-279720.html