Uống Starbucks ở Seattle, nhớ 'vua' cà phê Việt

Không phải là tín đồ của Starbucks nhưng trong kế hoạch tới Seattle (Mỹ) của tôi, điểm phải ghé là quán Starbucks đầu tiên của đế chế cà phê lớn nhất thế giới.

Xếp hàng dài mua cà phê Starbucks ở Seattle - Ảnh: M.K

Tôi muốn trải nghiệm cảm giác "rót cả tâm hồn nơi đáy cốc" như triết lý của người sáng lập ra cà phê Starbucks, ông Howard Schultz đã nói trong cuốn tự bạch của mình. Nhưng ngay chính giây phút cảm nhận được phần nào triết lý đó, tôi bỗng nhớ về "vua" cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, người đã hứng không ít thị phi liên quan đến Starbucks gần 7 năm về trước.

Quán số 1 ở Pike

Bất chấp cái lạnh 1 độ C và trời lất phất mưa, ngay sáng đầu tiên thức giấc ở Seattle, chúng tôi hào hứng đi bộ tới Pike Pace, chợ nông sản lâu đời nhất của nước Mỹ. Cách đây gần 5 thập kỷ, quán cà phê Starbucks đầu tiên (quán số 1) đã ra đời, mở đầu cho một "đế chế" cà phê hùng mạnh nhất nước Mỹ. Con số mới nhất cho biết, cứ mỗi ngày trên thế giới có khoảng 6 quán cà phê Starbucks ra đời. Với gần 18.000 cửa hàng ở 60 thị trường, Starbucks là nhà rang xay và bán lẻ cà phê hàng đầu trên thế giới. 6 năm trước khi Starbucks lần đầu có mặt tại Việt Nam, tôi cũng lẫn trong dòng người xếp hàng bên hông khách sạn New World để "mục sở thị" từng chiếc ly, bộ bàn ghế, hương vị... của "người khổng lồ" cà phê này.

Quãng đường chưa tới 2 km từ khách sạn tôi ở tới chợ Pike có tới 6 quán cà phê mang tên Starbucks, tất nhiên là chưa tính những quán mà tôi không nhìn thấy. Ngay góc đường đầu con phố có quán số 1 "thần thánh" là một cửa hàng Starbucks khá lớn, đối diện thẳng cổng chợ khiến chúng tôi "xém" nhầm. Nhưng trong trí nhớ của tôi thì quán số 1 không quá hoành tráng, lại thấy cách đó một đoạn rất đông người đang xếp hàng nên quyết định tới thử xem có gì hấp dẫn. Cũng nhờ thế mà chúng tôi đã đến đúng địa chỉ cần đến. Lúc đó là khoảng 9 giờ sáng, dòng người xếp hàng kéo dài tới gần 30 m. Tôi nhanh chóng nối vào 2 anh chàng người da màu đang cùng xem tấm bản đồ và giơ tay xem đồng hồ. Ở Sài Gòn tôi có thói quen làm một phin cà phê vào bữa sáng. Ở Việt Nam đang là 1 giờ sáng, tới "cữ" của tôi cũng còn 5-6 tiếng đồng hồ nữa nhưng đã hơn 30 tiếng trong máu tôi chưa có cà phê nên đầu hơi ong ong. Hai anh bạn đứng trước tôi đang trao đổi về chợ Pike. Có vẻ họ cũng như tôi, đến Seattle lần đầu tiên.

Khác với cảnh xếp hàng ở nhiều nơi mà tôi đã thấy, hầu hết mọi người đều chúi đầu vào điện thoại, thỉnh thoảng ngước lên như ước lượng xem bao lâu nữa sẽ tới lượt mình. Mọi người ở đây xếp hàng với tâm trạng khá thoải mái. Họ rôm rả nói chuyện, có vẻ không quan tâm lắm đến việc sẽ phải chờ đợi bao lâu. Cứ vài người trong quán bước ra với ly cà phê trên tay thì lại có vài người nối vào dòng người xếp hàng trước cửa. Nhịp nhàng như có sự sắp đặt. Khi tôi lọt được vào bên trong, hóa ra cũng chật cứng người. Không gian nhỏ, ấm cúng nhờ thiết kế với chủ yếu là gỗ, da và ánh sáng màu vàng... Nhận ly espresso "đúp" (2 shot) bốc hơi nóng hổi, đồng hồ trên tay tôi chỉ 9 giờ 26 phút. Mất 22 phút kể từ khi tôi nhập vào dòng người trước cửa. "Không quá lâu" - tôi nghĩ thầm.

"Rót cả tâm hồn nơi đáy cốc"

Không có gì tuyệt vời bằng ly espresso sáng hôm ấy. Nó cộng hưởng từ cái lạnh dưới 1 độ, trời lất phất tuyết rơi của Seattle những ngày đầu tháng 3; cơn ghiền đã lên tới đỉnh điểm sau gần 2 ngày trong máu chưa có cafein; không khí vui nhộn của khu phố trước mặt chợ Pike. Hơn hết là nỗi khát khao "mục sở thị" sào huyệt của "gã khổng lồ" Starbucks của một người đến từ đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Hớp một ngụm nóng hổi, nuốt chầm chậm để vị đắng nhẹ thấm dần vào huyết quản, cảm nhận não từ từ giãn ra, tôi nhận ra trong vị ngon đó, có cả cái cảm giác gần như "hả hê". Kiểu "tưởng thế nào hóa ra...".

Ngay phút giây đó, tôi bỗng nhớ tới nhận xét "Starbucks đang bán nước có mùi cà phê pha với đường" của "vua" cà phê Việt Đặng Lê Nguyên Vũ 7 năm trước. Vũ nói câu này khi ngồi thưởng thức ly cà phê Starbucks tại Thụy Sĩ khi anh tới đây tham dự hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” tổ chức tại Lucerne vào những ngày đầu tháng 11.2012. Vũ là người châu Á duy nhất được mời tham dự và đã gây kinh ngạc khi khẳng định, "học thuyết cà phê" sẽ thay thế các học thuyết đã gãy đổ, trước câu hỏi của ông Roland Schatz, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Tenor - Thụy Sĩ. Thời điểm đó, Vũ đã hứng chịu không ít búa rìu dư luận. Người thì cho rằng Vũ đang lo sợ Starbucks sắp vào Việt Nam. Lúc đó Vũ đang phát triển mạnh chuỗi cửa hàng Trung Nguyên Coffee; kẻ thì mỉa mai "Hãy gắng làm được như Starbucks, bán Trung Nguyên, đừng cố bán cà phê". Đặng Lê Nguyên Vũ nói với tôi, anh tôn trọng cái đế chế mà Starbucks đã tạo nên, nhưng bảo lưu quan điểm của mình. Với Vũ, Starbucks đang đánh tráo khái niệm.

Thực ra nếu tìm hiểu về triết lý kinh doanh của Howard Schultz và thành công của Starbucks, chẳng cần ném đá Đặng Lê Nguyên Vũ làm gì. Hương vị cà phê Starbucks, như một tín đồ cà phê đã nhận xét (và tôi thấy đúng), là trung bình cộng giữa hương vị đậm đặc của tách cà phê phin của Việt Nam và hương vị nước lèo "bèo dạt hoa trôi" nhạt thếch của cà phê Folgers chế bằng máy của Mỹ.

Tôi đã chứng kiến Vũ uống liên tục 3-4 ly cà phê đặc quánh trong buổi sáng ở trang trại ở M'Đrắk (Đắk Lắk) thì với Vũ và dân nghiền cà phê phin kiểu Việt Nam, Starbucks chỉ là "nước có mùi cà phê pha với đường". Còn Howard Schultz trong cuốn tự bạch của mình đã "cáo yết" trước quần chúng rằng: "Chúng tôi không ở trong tư thế của tầng lớp kinh doanh cà phê mà ở về phía khách hàng uống cà phê". Mà khách hàng uống cà phê thì rất nhiều dạng. Có người thích cà phê đá, có người lại chỉ uống cà phê sữa; có người thích đậm đà, lại có người chỉ thích nhẹ nhàng. Không phân biệt khi bước vào bất cứ của hàng cà phê Starbucks nào, khách vào uống tại quán hay xếp hàng mua mang đi; giàu có hay nghèo khổ; da trắng hay da màu... đều cảm nhận được bầu không khí ấm cúng, thân thiện. Khi tôi đang nhấm nháp ly espresso nóng hổi của mình thì cách đó không xa, một người vô gia cư cũng cầm trên tay một ly Starbucks. Đó là lúc tôi cảm nhận rõ nhất cảm giác "rót cả tâm hồn nơi đáy cốc" và bỗng ngường ngượng với cái cảm giác hả hê lúc trước.

Trước cửa hàng số 1, khách vẫn xếp hàng. Cứ vài người bước ra với ly cà phê Starbucks bốc hơi trên tay, lại có vài người nối vào dòng người xếp hàng trước cửa. Nhịp nhàng như có sự sắp đặt.

>> Kỳ tiếp: Đừng thất vọng với Starbucks Việt Nam

Mai Ka

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/uong-starbucks-o-seattle-nho-vua-ca-phe-viet-1064826.html