Uống rượu mừng năm mới, 2 thanh niên hôn mê, bất tỉnh

Hai thanh niên nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, mất kiểm soát sau khi uống rượu chào đón năm mới cùng với bạn bè.

Ngày 4-1, bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung vào người trẻ từ 20-40 tuổi. Chỉ ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Trung tâm đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc rượu.

Bác sĩ Trung tâm Chống độc đang thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu

Bác sĩ Trung tâm Chống độc đang thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu

Đây là 2 bệnh nhân trẻ tuổi, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, mất kiểm soát sau khi uống rượu chào đón năm mới cùng với bạn bè. Theo gia đình bệnh nhân, sau khi uống khá nhiều rượu, bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. "Khi vào viện, các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài"- bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, số bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính vào cấp cứu tăng không chỉ vào thời điểm Noel, Tết dương lịch vừa rồi mà bắt đầu vào mùa đông của miền Bắc, số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu đã gia tăng do đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan, uống rượu với quan niệm làm "ấm" cơ thể. Có người nhập viện chỉ ở mức độ nhẹ (say xỉn, nôn nhiều), nhưng có trường hợp bị ngộ độc nặng như hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu, tụt huyết áp kéo dài.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng uống rượu "xịn", uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia "xịn" thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…

Một số loại thuốc làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý ngoài một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men, thì việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng… cũng sẽ lưu lại nồng độ cồn trong hơi thở. "Nếu ăn và uống những sản phẩm có cồn thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông. Việc xét nghiệm máu sẽ đánh giá chính xác nồng độ cồn của người tham gia giao thông từ rượu, bia hay từ các sản phẩm khác.

M.Thanh - D.Thu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/uong-ruou-mung-nam-moi-2-thanh-nien-hon-me-bat-tinh-20200104091556824.htm