'Uống rượu, bia vẫn được lái xe là đòi hỏi vô lý'

'Nghị định 100 không cấm người dân uống rượu bia, tuy nhiên khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện. Nếu muốn cả hai là vừa uống, vừa lái thì đó là đòi hỏi vô lý'.

Năm 2020 được coi là quãng thời gian chưa từng có tiền lệ của lực lượng CSGT khi dịch Covid-19 bùng phát đúng thời điểm Nghị định 100 đi vào cuộc sống.

Nhân dịp năm mới 2021 và dịp Nghị định 100 tròn 1 năm có hiệu lực, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, đã chia sẻ với Zing về những bước đi của lực lượng áo vàng trong ứng dụng khoa học công nghệ, kéo giảm tai nạn và xây dựng pháp lý để hiện thực mục tiêu biến người dân thành trung tâm.

Cục CSGT: 'Công nghệ sẽ thay mắt thường xử lý vi phạm' Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết với việc ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa, xử lý vi phạm, CSGT sẽ chỉ xử phạt các lỗi mà camera không thể phát hiện.

- Tròn một năm có hiệu lực, Nghị định 100 với chế tài xử lý tăng nặng đã làm thay đổi thói quen tham gia giao thông của nhiều người. Ông đánh giá thế nào về tác động của nghị định đối với đời sống xã hội?

- Nghị định 100 là từ khóa hot nhất trong một thời gian dài, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020 cũng như dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Do điều kiện ở nước ta chủ yếu là phương tiện cá nhân, khi đánh vào kinh tế, rõ ràng nhận thức và sự chấp hành đã tốt hơn.

Sau một năm thực hiện, chúng tôi đánh giá ý thức tự giác chấp hành của người dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông được nâng cao. Các tài xế đều nhận thức rất rõ tính nghiêm khắc về chế tài xử lý các hành vi, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Vừa rồi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành với mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông tăng rất cao. Chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu một nghị định mới, sát thực tiễn tình hình giao thông, trong đó tăng mức xử phạt đối với những hành vi nguy hiểm, trực tiếp gây tai nạn như đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, che mờ biển số xe để trốn phạt nguội…

- Trong thời điểm cả nước tập trung chống dịch, việc tuyên truyền, xử lý theo Nghị định 100 có lúc lắng xuống do yếu tố khách quan. Tết Nguyên đán sắp tới, CSGT cả nước sẽ làm gì để nghị định này "sống lại" như thời gian đầu?

- Từ ngày 15/12, Bộ Công an đã phát lệnh cao điểm bảo đảm trật tự xã hội, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng tôi đã tập trung toàn bộ lực lượng và phương tiện, cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hoạt động truyền thông của các cơ quan báo chí và triển khai hàng loạt biện pháp phòng ngừa.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã chỉ đạo tập trung kiểm soát chặt nhóm xe kinh doanh vận tải bởi trong thời gian qua, các xe này đã gây ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, CSGT không chỉ xử phạt hành vi vi phạm đó mà sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra thêm những vấn đề liên quan đến mua bán và ép người khác sử dụng rượu, bia.

- Đến nay vẫn có ý kiến cho rằng chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 là quá nghiêm khắc. Ông nghĩ sao?

- Trước kia, Luật Giao thông đường bộ 2008 cho phép người điều khiển môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn dưới 0,25 mg/l khí thở.

Năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã sửa đổi điều này và quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn. Điều này đã xếp Việt Nam vào một trong những nước có quy định nghiêm ngặt nhất về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Dư luận xã hội cũng đồng tình với chủ trương đã uống rượu bia thì không lái xe. Cần phải hiểu rõ Nghị định 100 không cấm người dân uống rượu bia, tuy nhiên khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện. Nếu đòi hỏi cả 2 là vừa uống, vừa lái xe thì đó là đòi hỏi vô lý.

Chúng tôi luôn nghiên cứu trên cơ sở phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp nhưng vấn đề đặt ra phải an toàn. Trong cuộc sống luôn có những sự lựa chọn và chúng ta phải lựa chọn những điều mang lại lợi ích lớn hơn và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho xã hội.

Đối với CSGT, việc ngăn chặn người tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn để kéo giảm tai nạn luôn là ưu tiên hàng đầu.

- Năm 2020, tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí, tuy nhiên số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ôtô khách, xe đầu kéo còn xảy ra nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục cho tình trạng này?

- Qua thống kê của CSGT, vi phạm của các xe kinh doanh vận tải rất lớn. Các nước đều có quy định rất chặt chẽ về hoạt động kinh doanh vận tải để phòng ngừa tai nạn cho nhiều người. Khi một hãng xe nhiều lần vi phạm, ở một số quốc gia, CSGT có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở đó để họ kiểm tra quy trình vận hành.

Chúng ta đang bỏ bẵng đi chế tài và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Trong khi đó, đây là các phương tiện có nguồn nguy hiểm cao bởi chở rất nhiều người, hoặc chở khối lượng hàng hóa có kích thước lớn trên đường.

Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ từ Nghị định 10 quy định từ 1/7/2021 phải lắp đặt camera trong xe. Ngoài ra, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cần quan tâm đến tính pháp lý của thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để CSGT có thể trích xuất thời gian lái xe liên tục. Đối với xe kinh doanh vận tải, thời gian lái xe liên tục của tài xế ở tất cả các nước quy định rất nghiêm.

Ngoài ra, tình hình tai nạn năm 2020 nổi lên nhiều vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm để phòng ngừa. Trên thế giới họ ít phải chứng kiến xe container đi song song với xe đạp, nhưng ở nước ta lại rất dễ gặp do hỗn hợp giao thông quá lớn. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu nâng tiêu chuẩn kỹ thuật quan sát của xe container.

Rồi hạ tầng giao thông ở những vùng đèo dốc, bán kính cua của xe rất lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Tất cả những vấn đề đó chúng ta phải có các biện pháp hoàn thiện quản lý Nhà nước, phòng ngừa tận gốc thì mới giải quyết được những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

- Năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát cũng tác động đến nhiệm vụ của CSGT. Vậy lực lượng áo vàng đã làm gì để vừa kiềm chế tai nạn, vừa tham gia chống dịch hiệu quả?

- Chống dịch Covid-19 là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Lực lượng CSGT phải căng mình trên một mặt trận khác là đảm bảo TTATGT khi việc đi lại, lây lan trong quá trình tham gia giao thông là vấn đề lớn.

Chúng tôi chỉ đạo trước tiên phải phòng dịch ngay chính trong lực lượng làm nhiệm vụ. Khẩu trang, găng tay, các thiết bị khử khuẩn được trang bị đầy đủ tới từng cán bộ chiến sĩ.

Còn đối với người dân, chúng tôi sử dụng các dụng cụ dùng một lần như ống thổi nồng độ cồn, vật phẩm sau khi dùng cũng được thu gom, tiêu hủy theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Trên các phương tiện công cộng, tàu xe, Cục CSGT đã nhắc nhở, phát khẩu trang cho người dân.

Khi có lệnh phong tỏa, CSGT lập tức phối hợp với các lực lượng chức năng lập chốt chặn. Anh em chiến sĩ không quản ngày đêm, vất vả để phối hợp với ngành y tế, sát cánh cùng nhân dân chống giặc Covid-19. Suốt hành trình chống dịch, không có chiến sĩ CSGT nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh nhưng đã có 2 cán bộ hy sinh trong quá trình làm công tác chống dịch.

Ngoài ra, khi cả nước chống dịch, mật độ giao thông trên đường giảm nên xuất hiện tư tưởng chủ quan, vi phạm về tốc độ gia tăng. Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tập trung vào xử lý những vi phạm này, không vì chống dịch mà lơ là việc tuần tra kiểm soát.

- Thời gian qua, đâu đó vẫn còn tình trạng CSGT bảo kê, nhận hối lộ hoặc ứng xử chưa phù hợp dẫn đến các vụ chống đối. Cục CSGT sẽ làm gì để nâng cao hình ảnh lực lượng và giám sát nhằm hạn chế tiêu cực?

- Nâng cao năng lực của lực lượng công an trong đó có CSGT là mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công an. Ngay trong nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, Cục CSGT đã nêu rõ công tác xây dựng hình ảnh của chiến sĩ CSGT là một vấn đề đặc biệt quan trọng.

Tới đây, chúng tôi sẽ bổ sung, đào tạo lại, đồng thời xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ về tiêu chuẩn của cán bộ CSGT về từng công việc cụ thể. Trong đó, tập trung nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử trong các tình huống đối với người dân.

Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa quá trình tuần tra, xử lý vi phạm. Khi đó, CSGT chỉ có nhiệm vụ xử lý các lỗi không thể phát hiện bằng camera. Và các thiết bị tự giám sát như camera cá nhân cũng sẽ được trang bị đầy đủ cho CSGT khi làm nhiệm vụ.

Một điều nữa là việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ được đẩy mạnh. Đây vừa là xu thế phát triển, vừa giảm tiếp xúc trực tiếp với người dân. Từ đó, trách nhiệm CSGT được giám sát bằng công nghệ và các quy trình sẽ được công khai, minh bạch, đúng trình tự và thủ tục.

Còn đối với những con sâu làm rầu nồi canh, tinh thần của Bộ Công an là phải xử lý nghiêm và công khai cho mọi người cùng biết. Tới đây sẽ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng thì trách nhiệm, hình ảnh CSGT cần phải ngày càng thân thiện, gắn bó với nhân dân, trên cơ sở phục vụ nhân dân.

- Nếu năm 2020, lực lượng CSGT đã thành công ở cả mặt trận chống dịch và kiềm chế tai nạn, thì năm 2021, mục tiêu trọng tâm mà Cục CSGT đặt ra là gì?

- Trong 5 năm tới, ứng dụng công nghệ để phòng ngừa và phát hiện các vi phạm, trong đó có vi phạm giao thông là một trong những mục tiêu trọng điểm được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo với chúng tôi. Khi đó, tất cả vi phạm sẽ có hệ thống camera giám sát ghi lại làm căn cứ xử phạt. Khi được thực thi, lực lượng CSGT chỉ có nhiệm vụ xử lý các lỗi không thể phát hiện bằng camera như vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải trọng hoặc chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn...

Trong đề án Bộ Công an vừa báo cáo Thủ tướng, camera lắp đặt sắp tới ngoài chức năng giám sát còn tự động kiểm soát tốc độ, phát hiện các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn.

Khi đưa vào sử dụng, hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội. Các hệ thống camera sẽ được đồng bộ trên cả nước, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan có thể cùng khai thác.

- Năm qua, dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông được nhiều chuyên gia đánh giá cao, tuy nhiên vẫn chưa được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Sắp tới, Bộ Công an sẽ làm gì để dự luật này có thể đi vào đời sống?

- Trước hết, chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ Công an để báo cáo Chính phủ, báo cáo với Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có lý giải đầy đủ những vấn đề còn băn khoăn. Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, Luật Giao thông 2008 đang cùng lúc điều chỉnh 3 lĩnh vực: An toàn giao thông, hạ tầng giao thông và kinh doanh vận tải. Có thể nói Luật Giao thông đường bộ hiện nay giống như 3 cơ thể đang khoác một tấm áo quá chật.

An toàn giao thông là vấn đề liên quan trực tiếp tới con người tham gia giao thông. Nó rất động, nhưng nó cần phải có những quy định tĩnh để thiết lập trật tự, từ đó hình thành một nét văn hóa. Khi những quy định văn minh được duy trì ổn định, dần dần sẽ tạo nên thói quen và hình thành nên văn hóa giao thông.

Phát triển hạ tầng là cơ chế để làm sao chúng ta xây dựng được nhiều con đường với hệ số an toàn cao lên. Điều này thiên về lĩnh vực kỹ thuật. Còn lĩnh vực kinh doanh vận tải phải đáp ứng được thời kỳ mới. Ở nước ta hiện nay, vẫn chưa có cơ chế pháp luật để hình thành một thị trường vận tải mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Ba lĩnh vực trên quy định những nội dung và các đối tượng khác nhau, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có cơ quan chịu trách nhiệm. Nếu không xác định đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thì rất khó để đưa người tham gia giao thông là trung tâm. Từ đó, coi họ là mục tiêu được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức đồng thời phải được bảo vệ mạnh mẽ.

Muốn bảo vệ mạnh mẽ thì trách nhiệm của cơ quan quản lý phải rõ ràng. Chúng tôi luôn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các đại biểu Quốc hội để làm sao có thể xây dựng được một thể chế pháp luật đảm bảo đồng bộ, sát thực tiễn, giải quyết những bài toán không chỉ trước mắt mà phải mang tính tương lai.

- Cũng theo dự luật này, CSGT là lực lượng duy nhất dừng xe xử lý vi phạm trên đường. Có nghĩa trách nhiệm đảm bảo trật tự ATGT và kiềm chế tai nạn sẽ hoàn toàn thuộc về lực lượng áo vàng. Nếu luật được thông qua, Cục CSGT có những điều chỉnh ra sao?

- Trong dự luật, chúng tôi chỉ quy định CSGT là lực lượng duy nhất được dừng các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường. Vì nó không chỉ liên quan đến giao thông mà còn là vấn đề đến an toàn, quyền công dân và an ninh trật tự. Còn các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo vệ hành lang an toàn của các lực lượng khác vẫn hoạt động bình thường, không có sự thay đổi so với hiện nay.

Vì vậy, khi có tình trạng phương tiện vi phạm, chính người dân và các cơ quan chức năng sẽ hỏi CSGT phải trả lời là tại sao. Như vậy sẽ đặt người tham gia giao thông lên tầm cao mới, đồng thời sự an toàn sẽ được duy trì bởi trách nhiệm, nghĩa vụ chứ không phải quyền lợi của riêng ai.

- Nếu để thuyết phục đại biểu Quốc hội và người dân đồng tình với Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT có cam kết những thay đổi mới đó sẽ giúp bức tranh ATGT ở Việt Nam tốt đẹp hơn?

- CSGT là một bộ phận của lực lượng công an và trong thiết chế đó, công an là lực lượng chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về an ninh, an toàn.

Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh tính trách nhiệm của cơ quan Nhà nước được rõ ràng thì quyền của người dân sẽ được nâng cao. Hiện nay, có 3 nguồn gây ra tai nạn là: Con người, hạ tầng và phương tiện. Tuy nhiên, cả 3 nguồn đó đều do 1 đơn vị khác quản lý.

Chúng tôi chỉ quản lý phần ngọn, tức là xử phạt và hướng dẫn. Và như vậy sẽ không ổn. Chúng tôi cần phải được tham gia sâu hơn và chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Khi đó, một quy trình sẽ đầy đủ từ đầu đến cuối. Khi có một đơn vị chịu trách nhiệm thì không thể đổ cho ai.

Hơn nữa, với hàm lượng công nghệ trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông rất nhiều và trách nhiệm rất rõ ràng thì an toàn giao thông cho người tham gia giao thông ở Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong thời gian tới chắc chắn sẽ được nâng lên.

Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ có cơ hội phát triển một hệ thống luật đảm bảo kết cấu, hạ tầng giao thông. Đặc biệt trong bối cảnh ùn tắc giao thông không chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM.

Do đó, việc thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ GTVT để chịu trách nhiệm về từng nội dung là vấn đề rất khoa học và thực tiễn. Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện những thể chế pháp luật.

- Xin cám ơn ông!

Bá Chiêm - Hồng Quang

Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/uong-ruou-bia-van-duoc-lai-xe-la-doi-hoi-vo-ly-post1168550.html