Uống rượu bia lái xe có thể bị xử phạt tới 40 triệu đồng

Theo thống kê cho thấy, số vụ tai nạn do tài xế vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy tăng mạnh trong những năm gần đây. Do đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 46/2016, đề xuất mức phạt cao nhất có thể lên tới 40 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 22-24 tháng đối với tài xế có nồng độ cồn trong máu.

Trong thời gian qua, tình hình giao thông đang diễn ra khá phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu . Do đó, để giảm thiểu tai nạn giao thông, hiện nay Bộ GTVT đang có ý kiến sửa đổi Nghị định 46/2016, theo đó đề xuất 3 phương án xử phạt khác nhau. Cụ thể như sau:

Phương án 1: giữ nguyên như quy định hiện hành.

Phương án 2: sửa đổi mức xử phạt đối với vi phạm quy định về nồng độ cồn, theo đó mức phạt tiền hành vi vi phạm mức 1 đối với người điều khiển ô tô là 18 - 20 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với vi phạm của hành vi này là 30 - 40 triệu đồng.

Phương án 3: sửa đổi mức xử phạt đối với vi phạm quy định về nồng độ cồn, theo đó mức phạt tiền hành vi vi phạm mức 1 đối với người điều khiển ô tô là 6 - 8 triệu đồng và mức phạt cao nhất đối với vi phạm của hành vi này là 30 - 40 triệu đồng.

Trong khi quy định hiện hành, người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở thì không bị phạt.

Trong khi quy định hiện hành, người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở thì không bị phạt.

Song, sau một thời gian đánh giá về các tác động cũng như hậu quả đi kèm, theo Bộ GTVT, phương án 1 không có tác động về kinh tế, song tạo thói quen xấu, không đảm bảo tính răn đe. Phương án 2 có tính răn đe, tạo thói quen tốt cho người tham gia giao thông, song tác động tiêu cực là quy định mức xử phạt cao 18 - 20 triệu đông với người lái ô tô, 6 - 8 triệu đồng với người lái xe máy có thể dẫn tới việc chống đối của người vi phạm, bỏ lại xe mô tô...

Phương án 3 sẽ phát sinh nhiều chi phí do người dân phải nộp phạt số tiền lớn, khó có khả năng chi trả. Ngoài ra, việc phạt vi phạm mức 2 vượt quá thẩm quyền của Trưởng phòng CSGT và Giám đốc công an tỉnh (với mức 3), sẽ phát sinh chi phí trong quá trình chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm.

Lý giải việc bổ sung hình phạt trên với người cầm lái xe máy, ban soạn thảo nghị định cho biết Luật phòng, chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Trong đó cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cũng theo Bộ GTVT, quy định xử phạt đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở là điều cần thiết được bổ sung.

Ngoài bổ sung mức phạt trên, dự thảo nghị định tăng mức phạt từ 1-2 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng với người điều khiển môtô, xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mgm/l khí thở; tước bằng lái xe từ 16-18 tháng (hiện tại tước bằng lái xe từ 1-3 tháng).

Tăng mức phạt tiền với người điều khiển mô tô, xe máy từ 3-4 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở. Hành vi này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng (hiện tại tước 3-5 tháng).

Với ô tô, dự thảo nghị định quy định tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng với hành vi điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/l khí thở. Tăng thời gian tước bằng lái xe từ 10-12 tháng so với 1-3 tháng như hiện nay.

Tăng mức phạt tiền từ 7-8 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng với hành vi điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/l khí thở. Tước bằng lái xe từ 16-18 tháng so với 3-5 tháng như hiện nay.

Tăng mức phạt tiền từ 16-18 triệu đồng lên 30-40 triệu đồng đối với những tài xế điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở. Tước bằng lái từ 22-24 tháng thay cho 4-6 tháng như hiện nay.

Lam Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bo-gtvt-de-xuat-xu-phat-nang-doi-voi-tai-xe-co-nong-do-con-trong-mau-84886.html