Uốn lại mầm cây

Khói bốc nghi ngút, vừa lúc trời nổi gió, ngọn lửa bùng lên và lan ra rất nhanh, trong 'nháy mắt' một góc phố Phúc Xuân biến thành 'biển lửa'. Tiếng kêu 'cháy…', tiếng hò hét, tiếng chân chạy, tiếng la hét, lúc sau có thêm tiếng còi xe cứu hỏa, tạo nên một mớ âm thanh hỗn độn và hoảng loạn. Các vòi rồng tưới nước từ trên những chiếc xe sơn màu đỏ bắt đầu xối xả vào những ngôi nhà đang cháy.

- Con tôi, con tôi … - Có một người đàn bà lao đến cổng một ngôi nhà đang cháy, hét đến lạc giọng rồi gục xuống.

Ngôi nhà ba tầng, có hệ thống cửa khá chắc chắn, lúc này, khói và lửa đang ùn ùn tuôn ra từ những ô cửa.

Chợt một thanh niên lách qua mọi người, thoăn thoắt leo hàng rào, xông vào ngôi nhà 3 tầng, hàng xóm ngước nhìn theo động viên: “Mầm ơi… cố lên…”. Khói lửa vẫn mịt mù, các vòi nước vẫn tuôn xối xả. Mầm thấy lửa đang rát rạt vào mặt, khói đen mù mịt. Mặc kệ, Mầm vẫn hùng hục chạy lên cầu thang. Lên được tầng ba, Mầm đạp cửa căn phòng đang vọng ra tiếng khóc, xông vào.

Con bé chừng 7, 8 tuổi đang vừa run, vừa khóc, vừa lấy tay dụi mắt. Nhanh như cắt, Mầm chạy lại, quắp chặt con bé, rồi lại rẽ khói lửa lao xuống. Trong lúc chạy, vì khói mù mịt, chẳng may Mầm va vào một cánh cửa sắt bị lửa hun nóng giẫy, da thịt cháy khét. Ra được bên ngoài, vừa đặt con bé xuống, thì chính Mầm lại ngã vật xuống bất tỉnh.

Người đưa Mầm đi bệnh viện là Vượng, Cảnh sát khu vực phố Phúc Xuân. Nhìn Mầm nằm bất động trên giường cấp cứu, da thịt bị muội khói lem nhem, vết bỏng đỏ tấy và đám da chỗ ấy nhăn nhúm trông thật thương. Lồng ngực Mầm phập phồng, lúc mạnh lúc nhẹ, không đều, chắc hẳn cậu ta đang rất khó thở, bỗng dưng trong Vượng trào dâng một nỗi niềm thương cảm. Với Vượng, hành động dũng cảm, bất chấp hiểm nguy xông vào lửa khói cứu người là một sự không ngờ lớn. Vượng không sao lý giải được, một người luôn lầm lầm lì lì như Mầm lại dấn thân như thế.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Người đàn bà là mẹ đứa trẻ vừa được Mầm cứu sống vào phòng cấp cứu, chị quỳ xuống dưới chân Mầm, run rẩy:

- Mẹ con tôi cả một đời này biết ơn cậu.

Cùng lúc, ông Mẫn cha Mầm hốt hoảng chạy vào:

- Con ơi… Con có làm sao không…

Vượng an ủi ông Mẫn:

- Chắc không sao đâu bác ạ.

Lúc này, trong lòng Vượng chộn rộn những suy nghĩ đan xen. Hình ảnh Mầm hơn nửa năm về trước khi cậu ta đến Công an phường trình giấy tờ ra trại cải tạo lại hiện lên rõ mồn một trước mắt Vượng…

*

Mầm nói, không phải nói mà là van xin:

- Em sẽ làm lại… Vâng, em hứa em sẽ làm lại… chỉ xin anh một điều… các anh đừng cho ai biết em vừa ở trong tù ra, nhất là bố em…

Vượng, Cảnh sát khu vực phố Phúc Xuân nhìn Mầm bằng đôi mắt nghiêm nghị:

- Chúng tôi tạm thời tin vào lời hứa của cậu, và sẽ chưa thông báo chuyện cậu phải đi tù với ai… Nhưng dẫu sao tôi cũng phải nói với cậu, cậu vừa trở về từ bóng tối thì sống sao cho đừng lem nhem nữa. Hãy làm người lương thiện.

Nói thì nói vậy, còn thực ra Vượng chưa thể tin được. Nhiều người lầm lỗi khi ra khỏi tù cũng đã hứa sẽ trở thành người tử tế, song trong số họ cũng không ít người “ngựa quen đường cũ” lại phạm pháp. Nhưng dẫu sao, cậu ta xin không nói việc cậu ta bị đi tù thì có thể chấp nhận được. Có thể cậu ta thấy xấu hổ, và tủi nhục vì những lỗi lầm mình mắc phải. Có thể để không ai biết tội lỗi sẽ làm cậu ta sống tốt lên. Vấn đề là phải theo dõi chặt chẽ, và nếu giúp được gì để cậu ta hoàn lương thì phải sẵn sàng làm ngay.

Rời trụ sở Công an phường, Mầm đợi đến lúc những ngọn đèn đường dọc phố Phúc Xuân bật sáng, mới về nhà. Ông Mẫn há mồm, trợn mắt, khi nhìn thấy thằng con trai mất tích hơn ba năm, nay bất ngờ hiện hữu trước mặt. Người ông lẩy bẩy, chân tay bủn rủn, phải mất một lúc khá lâu ông mới bật ra được tiếng nói:

- Mầm… phải Mầm không con?

Mầm cứng người và bất động. Chỉ có nước mắt ứa ra chảy nhạt nhòa trên mặt. Buổi tối trong bữa cơm, Mầm bảo cha:

- Chuyện mấy năm qua của con dài lắm và cũng chẳng hay ho gì, vì vậy bố đừng bao giờ hỏi con, mấy năm qua con đi đâu, con làm gì. - Rồi Mầm dọa: - Nếu chỉ một lần thôi bố hỏi về việc ấy, con sẽ lại bỏ đi đấy, mà lần này đã đi là đi luôn.

Ông Mẫn lắp bắp:

- Ừ!... Bố không hỏi… Bố không bao giờ hỏi.

Ông Mẫn thở dài. Mầm nghe tiếng thở dài của cha mà trong lòng se sắt.

Năm học lớp 12, Mầm thường xuyên bỏ học, chúi đầu vào quán nét, hút thuốc lá, uống rượu, sau đó thì say mê cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá… Mầm cứ trượt dần vào con đường không lối thoát ấy.

Hàng ngày ông Mẫn đẩy xích lô đi từ sáng sớm. Ông ra bến đỗ đầu chợ Song, ai thuê gì thì chở. Cứ quần quật, ngày nắng cũng như ngày mưa, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Ông Mẫn dè sẻn, vất vả, làm được đồng nào dành để nuôi nấng, chăm lo cho Mầm. Mầm xin tiền học, xin tiền đóng góp cho trường, cho lớp, hoặc các khoản linh tinh khác, ông Mẫn đều đáp ứng đầy đủ. Ông không ngờ, những khoản tiền ấy, Mầm đều đốt vào quán nét, hoặc cá độ bóng đá...

Càng ngày những thú vui càng quấn xiết lấy Mầm. Chơi gì cũng phải có tiền. Mầm cũng biết, cha kiếm tiền bằng nghề đạp xích lô nên chẳng dư dật gì. Nói dối để xin tiền cha mãi cũng đến lúc cha làm gì còn tiền! Muốn chơi phải có tiền. Muốn có tiền phải kiếm tiền. Đúng lúc, thằng Bình, một đứa bạn trong đám lêu lổng, rủ Mầm đi biên giới làm thuê. Mầm không nghĩ ngợi nhiều, tặc lưỡi, dấu cha, bỏ học theo thằng Bình đi luôn.

Ba ngày không thấy con trai về ông Mẫn như người mất hồn. Nó đi đâu? Với ai? Làm gì? Hay nó bị tai nạn chết ở đâu rồi. Mầm ơi con ở đâu? Cha chỉ có một mình con. Ngày mẹ sinh con cũng là ngày con mồ côi mẹ. Trước nấm mồ mẹ con cha hứa sẽ ở vậy để nuôi con khôn lớn… Con đã lớn rồi, nhưng linh tính mách bảo cha rằng con chưa có khôn… Một năm, hai năm, ba năm… chờ đợi con, nước mắt không còn, ông Mẫn như cái bóng hiu hắt mỗi ngày. Những dịp xuân về Tết đến, nhìn nhà người ta quây quần đoàn tụ, là nước mắt ông cứ ứa ra nhòe nhoẹt. Ông tủi cực nghĩ rằng, với ông, với nhà ông, có lẽ không bao giờ có mùa xuân.

Ông đã định đặt ban thờ nó, nhưng lại nghĩ đã biết cụ thể thế nào đâu, đặt ban thờ thật không đành.

Mầm được thằng Bình giới thiệu với một thằng bạn khác. Thằng này giới thiệu Mầm cho đại ca của nó. Sau khi xem mặt, xem sức vóc, đại ca đó nhận Mầm làm cửu vạn.

Những chuyến đánh hàng lậu từ bên kia biên giới sang, vừa gian nan, vất vả lại rất phưu lưu, mạo hiểm. Không những luồn lách tránh sự theo dõi kiểm tra ngặt nghèo của bộ đội Biên phòng, lực lượng Quản lý thị trường, lại còn phải đối phó với bọn trộm cướp nhan nhản vùng biên ải. Tuy vậy lại càng làm Mầm thích thú, và thích thú hơn nó kiếm được kha khá tiền bạc. Tiền nhiều, nó thỏa mãn với những thú vui, rượu chè, cờ bạc, ở cái tuổi mới lớn giờ lại thêm cái khoản chơi bời với các em ca ve càng tăng độ phấn khích cho Mầm.

Trong một lần trốn chạy truy đuổi của bộ đội Biên phòng, Mầm đã dùng công cụ hỗ trợ chống trả lại quyết liệt. Cuối cùng Mầm bị quật ngã và phải trả giá cho hành vi phạm pháp bằng bản án ba năm tù.

*

Phố Phúc Xuân, địa bàn do Vượng phụ trách, là một khu phố trung bình cả về diện tích và dân số. Vậy mà, có một thời gian Phúc Xuân thành “một điểm nóng” của thành phố. Ma túy, trộm cắp, bài bạc thì lén lút, đánh chửi nhau, đâm thuê chém mướn, gây mất trật tự an ninh thì công khai và thường xuyên. Công an phường đã có nhiều phương án để vãn hồi trật tự.

Phương án tối ưu nhất, do Đại úy Vượng, Cảnh sát khu vực phố Phúc Xuân đề xuất với Trung tá Khang, Trưởng Công an phường, là cảm hóa các đối tượng từ chính gia đình họ, làm được việc đó phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị của khu phố, như Chi bộ, Mặt trận, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh.

Nhiều ngày, Vượng cùng bác Sanh, Tổ trưởng tổ dân phố, bác Nam Bí thư Chi bộ phố, cùng nhau rà soát, phân loại đối tượng, rồi cùng xuống địa bàn, vào từng nhà dân, từ vận động, đến thuyết phục, kết hợp đấu tranh vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Dần dần tình hình trật tự an ninh có khả quan.

Các vụ nổi cộm như ma túy, trộm cắp, cờ bạc, đòi nợ thuê, giảm dần, ngày càng có chiều hướng tích cực. Với các đối tượng ra tù trở về địa phương, Vượng luôn bám sát, giúp đỡ họ về tinh thần, ổn định tư tưởng, vận động phố phường tạo mọi điều kiện để họ làm kinh tế, có thu nhập, và không còn thời gian nhàn rỗi để chơi bời, lêu lổng.

Với trường hợp của Mầm, lại gần như là một trường hợp ngoại lệ. Mầm muốn giấu kín quá khứ, kể cả với bố đẻ của mình. Thoạt đầu Vượng định đưa trường hợp Mầm ra dân phố, để mọi người cùng giám sát. Sau nhiều đêm suy nghĩ, hỏi ý kiến Trung tá Khang, cuối cùng Vượng quyết định tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của Mầm, bởi Vượng nghĩ con người ta khi còn nghĩ đến tính “sĩ diện” thì còn biết giữ mình.

Những ngày đầu, một lần Mầm hỏi Vượng:

- Ra tù, không nghề nghiệp, em biết làm gì để sống đây anh?

Kể ra với Vượng, câu hỏi đó của Mầm thật khó. Biết anh ta phù hợp với công việc nào đây? Liệu làm phụ hồ có được không? Liệu đi bốc vác thì thế nào? Hôm ấy Vượng bỏ lửng câu hỏi mà không trả lời Mầm. Nhưng mấy hôm sau, khi tham khảo ý kiến của bác Tổ trưởng tổ dân phố, anh gặp Mầm:

- Cậu có thể chạy xe ôm được không?

Mầm đắn đo giây lát, sau rồi nói:

- Vâng! Em làm được.

Vượng lại bảo:

- Môi trường ấy phức tạp đấy. Dễ sảy chân …

Vượng chưa dứt lời, Mầm đã vội nói:

- Tin em đi anh.

- Ừ! Anh tin cậu.

Vượng theo dõi Mầm khá chặt chẽ, ngoài chính bản thân Vượng còn nhờ nhiều người lặng lẽ quan sát Mầm. Tuyệt nhiên, cả năm trời, Vượng không hề nghe ai ca thán phàn nàn về Mầm. Ngay đến mấy tay “anh chị” ở bãi xe ôm cũng bảo: “Nó không tranh giành, cướp khách, không bắt chẹt, dọa nạt để kiếm chác đâu, thậm chí nó còn nhường khách cho bọn tôi nữa đấy”. Lại có một lần, tình cờ Vượng gặp Mầm ở Hồ Máy Xay. Thấy vẻ mặt cậu ta hơn hớn, Vượng hỏi:

- Có gì mà phởn thế?

Mầm hồ hởi khoe:

- Hôm nay em chở hai đứa Tây vào Tam Cốc, em làm hướng dẫn du lịch luôn.

Vượng ngạc nhiên:

- Cậu biết tiếng Anh?

- Vâng! Từ hôm về, em tự học trên mạng, quê mình đất du lịch, nên tiếng Anh quan trọng lắm. Nay em làm hướng dẫn, Tây thích lắm, nó thưởng thêm cho em 50 đô la đấy anh ạ.

Một lần Vượng thấy có hai vợ chồng rất sang, đi xe ôtô con đến Trụ sở Công an phường gặp anh để hỏi về Mầm. Lúc đầu Vượng hơi chột dạ, hay là Mầm lại gây ra chuyện gì rồi chăng. Nhưng mọi lăn tăn của Vượng ngay lập tức được giải đáp. Thì ra hai vợ chồng đến tìm nhà Mầm để cám ơn và hậu tạ.

Chẳng là buổi trưa hôm ấy trên đường chạy xe chở khách, tình cờ Mầm phát hiện một cháu học sinh nằm ở vệ đường. Tưởng trời nắng, cậu bé đi học về nằm nghỉ dưới gốc cây, Mầm đã chạy xe được một đoạn dài, song hình như linh tính mách bảo Mầm chuyện gì đó không ổn. Mầm liền quay xe lại ngay. Cậu bé nằm bất tỉnh, hơi thở phì phào, da dẻ xanh ngoét. Cậu bé bị cảm nắng rồi, không chần chừ, Mầm nhờ một người cũng dừng lại xem, bế cậu bé lên, ngồi sau ôm hộ, Mầm phi xe đến trạm xá gần đó.

Rồi Mầm ở lại đấy, đợi cậu bé được cấp cứu tỉnh lại. Khi bố mẹ cậu bé đến Mầm mới đi. Hai vợ chồng bảo với Vượng, lúc đầu họ cuống cuồng nên không biết Mầm là ai, và cũng không biết Mầm là người đưa con họ đến trạm xá. Mãi sau khi hoàn hồn, các cô y tá ở đây nói lại, họ mới biết đó là một người chạy xe ôm. Lần mò tìm tòi hỏi han mãi họ mới biết được, người xe ôm tên Mầm ở phố Phúc Xuân.

Trong thâm tâm Vượng rất vui. Mầm đã thoát ra được bóng tối. Anh ta đang từng bước làm lại đời mình. Nhưng không lúc nào Vượng chủ quan, anh vẫn hàng ngày hàng tuần, đi sát, quan tâm đến Mầm như quan tâm đến một người em ruột thịt của mình.

Vượng nhận ra rằng, Mầm bỏ hẳn được mọi thú vui, những thú vui dẫn đến những năm tháng cùng cực nhất của đời người. Mầm bảo bố mua một cái xe máy để hành nghề xe ôm. Thực sự Mầm đã có những tiến bộ. Cậu ta không giao du với kẻ xấu, không gây gổ làm mất an ninh trật tự khu dân cư. Bà con hàng phố cũng không ai phàn nàn, phản ánh tiêu cực gì của Mầm.

*

Lúc này đây, sau vụ cháy phố Phúc Xuân, ở trong bệnh viện quan sát các bác sĩ chữa trị những vết bỏng trên thân thể Mầm, Vượng thấy Mầm thi thoảng co người lại, chân tay giần giật, chắc hẳn vì quá đau đớn. Hơn một tiếng, các vết thương mới được băng bó xong, Vượng cùng mấy người dân phố Phúc Xuân đưa Mầm đến phòng bệnh nhân. Nằm trên cáng, Mầm khe khẽ hỏi Vượng:

- Anh ơi cháu bé có bị bỏng không?

Vượng bảo Mầm cứ yên tâm, cháu không hề xây xát gì. Nghe vậy, trên đôi môi dày, khô khốc của Mầm chợt hé ra một nụ cười. Nụ cười sung sướng và mãn nguyện. Còn Vượng, khi nhìn vào nụ cười ấy, anh chợt nhận ra, dường như mùa xuân đang trở lại với Mầm. Một cái kết có hậu cho gia đình Mầm và cho cả xã hội. Trại cải tạo đã là mảnh đất để uốn lại thành công một mầm cây cho đời.

Truyện ngắn của Ninh Đức Hậu

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/uon-lai-mam-cay-637478/