Ươm mầm xanh trên núi đá khô cằn

QĐND- Trên đỉnh núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) khô cằn, chỉ có đá và bốn mùa gió biển thổi thông thốc mang hơi mặn. Nơi đây có đến 6 tháng mùa khô, cây cối cũng quay quắt tìm sự sống, một màu vàng úa của cỏ cây trải ra giữa trời nước mênh mông. Giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, trên ngọn núi chỉ toàn dứa dại và đá lại mọc lên một ốc đảo xanh, đó là khuôn viên Trạm Radar 550, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân.

Đại úy Phạm Trọng Trinh, Trạm trưởng dẫn chúng tôi đi một vòng tham quan đơn vị. Khuôn viên xanh với những hàng cây cảnh được cắt tỉa chu đáo, bồn hoa mười giờ nở rực rỡ dưới cái nắng chói chang. Ấn tượng nhất là khu tăng gia, chăn nuôi được quy hoạch cẩn thận với đủ loại rau, quả. Heo rừng, ngan, ngỗng dạo tung tăng trên sân. Bước vào vườn, hiện lên một màu xanh mướt, non tơ của nhiều loại rau như rau đay, mồng tơi, rau dền... Trung sĩ Vương Khả Duy, chiến sĩ báo vụ nhanh tay nhặt cỏ và tưới nước cho luống rau vừa trồng, hồ hởi bảo: “Năm nay, em được giao nhiệm vụ chăm sóc một luống rau. Đất tăng gia có hạn nên phải quay vòng liên tục, phấn đấu vượt chỉ tiêu được giao. Sau những giờ huấn luyện căng thẳng, em tranh thủ đi cắt cây dại về ủ phân xanh cải tạo đất. Tăng gia, chăn nuôi vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vui. Nhìn bữa ăn, thấy sản phẩm tăng gia sạch của chính mình làm ra trên mâm, hào hứng lắm anh ạ”.

 Thu hoạch rau xanh phục vụ bữa ăn cho đơn vị.

Thu hoạch rau xanh phục vụ bữa ăn cho đơn vị.

Đại úy Phạm Trọng Trinh cho biết thêm, ở đây rau và nước ngọt là hai thứ quý giá nhất được người lính hải quân nâng niu trân trọng như sản vật. Đỉnh Thới Lới này hầu hết là đá, thi thoảng mới có lớp đất mỏng nên không giữ được nước. Không có nước ngầm, nguồn nước duy nhất là mấy chiếc bể trữ nước mưa. Với mùa khô kéo dài 6 tháng, khi nào có mưa phải tích cực trữ nước đầy bể, đồng thời phải tính số lượng nước cho từng người, từng ngày phòng trong nhiều tháng không mưa. Tất cả nước sinh hoạt, tắm giặt, nấu ăn đều được gom lại xử lý tận dụng tăng gia không để lãng phí giọt nào.

Chỉ tay ra bốn bề là biển, Thiếu úy Võ Minh Lực, Phó trạm trưởng nói át tiếng gió: “Ở đây, đặc sản là gió, gió biển ràn rạt thổi quanh năm mang hơi mặn của muối. Vì vậy xung quanh vườn tăng gia chúng tôi phải trồng nhiều lớp dứa dại tạo thành bức tường tự nhiên vững chãi, ngoài ra còn xây bờ bao, che chắn thêm các tấm tôn để bảo vệ vườn”. Cải tạo đất ở đây cũng là một quá trình. Để có được vườn tăng gia quy củ như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ đã bỏ ra rất nhiều công sức, đãi đá lấy đất, gom từng xẻng từ nhiều nơi để về đổ vào vườn. Bằng các biện pháp cải tạo như bón phân xanh, phân hữu cơ, tận dụng phân chăn nuôi lợn và gia cầm để tăng độ màu mỡ cho đất, đơn vị cũng quy hoạch từng ô riêng trồng trọt cho rau dưới nước, rau trên cạn, gia vị và có giàn để trồng bầu, bí, mướp… Bên cạnh khu trồng trọt là khu chăn nuôi heo rừng lai, ngan, ngỗng, vịt và thỏ. Các anh phải mua con giống đã thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng nên dễ sinh trưởng và phát triển. Sau các đợt nghỉ phép, cán bộ, chiến sĩ vào đơn vị thường kèm theo các gói quà là giống cây từ đất liền phù hợp khí hậu ở đây như rau đay, mồng tơi, rau dền, cà tím, khổ qua, bầu, bí… Năm 2019, kết quả tăng gia đạt 1.800.000 đồng/người/ năm.

Theo Thượng úy Trần Công Tài, Chính trị viên trạm, công tác tăng gia chăn nuôi là nhiệm vụ quan trọng luôn được trạm quan tâm. Mặc dù đơn vị đóng quân trên khu vực gặp rất nhiều bất lợi về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nhưng đơn vị xác định phải khắc phục bằng được, bảo đảm tự túc rau xanh và một phần thực phẩm. Để làm được điều đó, trước hết phải xây dựng ý chí và quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ. Ngay từ đầu năm, chi ủy, chi bộ đã phân chia khu vực tăng gia, giao khoán chỉ tiêu đến từng người, từng ngành, xem đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đảng viên, đoàn viên dịp cuối năm, đồng thời có biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Đi cùng với đó, đơn vị còn triển khai các biện pháp như quy hoạch lại khuôn viên, mở rộng khu chăn nuôi, cải tạo đất và tính thêm phương án dự trữ nước trong mùa khô, phấn đấu trong năm nay sản phẩm từ tăng gia, chăn nuôi cao hơn năm 2019, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.

Cách đất liền 15 hải lý, trên điểm cao gần 170m so với mực nước biển, đỉnh Thới Lới sừng sững giữa biển trời, là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ở đây không chỉ có đá và gió mà còn có những người lính với mồ hôi, công sức và quyết tâm đã chiến thắng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đem lại màu xanh trên đỉnh núi đá khô cằn.

Bài và ảnh: AN VÕ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/uom-mam-xanh-tren-nui-da-kho-can-614024