Ươm mầm, dẫn dắt các ý tưởng khởi nghiệp

Hưởng ứng phong trào quốc gia khởi nghiệp, từ năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL. Trong năm 2019, Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL thu hút sự quan tâm của các cá nhân, nhóm khởi nghiệp có tiềm năng, tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao ở tất cả các lĩnh vực.

Các startup trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL.

Theo VCCI Cần Thơ, sau thời gian phát động, Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2019 đã nhận được 313 hồ sơ của 900 thí sinh từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, thuộc 4 lĩnh vực: công nghệ ứng dụng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và thủy sản, công nghệ chế biến thực phẩm và giải pháp kinh doanh. Trong đó, nông nghiệp và giải pháp kinh doanh là hai lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất, với 108 hồ sơ (chiếm 35%); chế biến thực phẩm có 77 hồ sơ (chiếm 25%) và công nghệ ứng dụng có 20 hồ sơ (chiếm 6%). Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ Trà Vinh (75 hồ sơ), Đồng Tháp (73 hồ sơ), các tỉnh, thành còn lại đều có hồ sơ tham gia dự thi.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Các cuộc thi này nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, sáng tạo, những dự án có giá trị; đồng thời khơi gợi tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm thành lập doanh nghiệp của giới trẻ ĐBSCL, cũng như hỗ trợ ươm tạo các dự án tiềm năng. Qua công tác tổ chức cuộc thi trong 3 năm liên tiếp cho thấy dự án dự thi tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, các dự án năm nay tập trung về khai thác tài nguyên bản địa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Đây là những giải pháp, hướng đi tiềm năng đối với vùng có lợi thế phát triển nông nghiệp như ĐBSCL”.

Trải qua vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 12 dự án xuất sắc tham gia tranh tài tại vòng chung kết. Với hình thức thuyết trình và trả lời các câu hỏi từ Ban Giám khảo, có 4 dự án đáp ứng 3 tiêu chí cuộc thi đưa ra là: nội dung dự án; kỹ năng thuyết trình và phản biện; tính khả thi và bền vững của dự án đã được Ban Tổ chức trao giải. Trong đó, Dự án Sản xuất và mở rộng thị trường chế phẩm hữu cơ cơ sinh xử lý môi trường ao nuôi thủy sản đạt Giải được yêu thích nhất; Dự án Nghệ thuật tạo hình Bonsai bằng dây dồng và Dự án Xây dựng thuong hiệu mỹ phẩm “Hafabo-Trẻ hóa từ thiên nhiên” với dầu gội không bọt Yopoo, 100% thảo dược từ thiên nhiên đạt Giải khuyến khích; Dự án Tổ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái đạt Giả ba và Dự án Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang xuất sắc đạt giải nhì.

Chị Quách Yến Phượng, sáng lập Dự án “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả cao tại An Giang” - quán quân Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2019, chia sẻ: Dự án của chúng tôi hướng đến phát huy tiềm năng cây dược liệu tại địa phương, hình thành vùng nguyên dược liệu tập trung khởi đầu với cây xạ đen. Đây là loại cây chịu hạn cao, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đất của Thiên Cấm Sơn. Đặc tính sinh học trên cây xạ đen có công dụng hỗ trợ chức năng gan, làm hạ men gan, giúp đào thải độc. Cùng với xây dựng vùng nguyên liệu, dự án sẽ tiến hành phát triển thị trường, hình thành thương hiệu “Thảo An”, từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Bên cạnh các Dự án đạt giải, một số Dự án cũng được Ban Giám khảo đánh giá cao về tiềm năng thương mại hóa cao như: Các dòng bánh từ nguyên liệu khoai lang, Máy phun thuốc điều khiển từ xa, Liên kết sản xuất nước cốt hoa đậu hiếc hữu cơ...

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức còn tổ chức trưng bày sản phẩm nổi bật của top 20 startup tham dự cuộc thi năm nay và một số startup đã đạt giải những năm trước. Đồng thời, tổ chức ráp mối giữa các startup với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp, vườn ươm tạo. Hoạt động này tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ, sản phẩm mới của các startup từ đó, thúc đẩy hoạt động đầu tư, mua bán, kết nối giữa các bên.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, vùng ĐBSCL được xem là nơi có tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số thấp so với các vùng miền. Chính vì vậy, từ khi Chính phủ phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, VCCI Cần Thơ đã vận động thành lập “Mạng lưới khởi nghiệp vùng ĐBSCL”. Và cho đến thời điểm này, “Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL” là mạng lưới khởi nghiệp đầu tiên trong cả nước. Không chỉ vậy, “Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL” còn được đánh giá duy trì các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đầy đủ và đều đặn.

“Thực tế cho thấy, để một dự án khởi nghiệp hoàn thiện, bên cạnh nỗ lực của startup thì vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Với vai trò là tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI Cần Thơ sẽ tiếp tục thúc đẩy, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp chung cho vùng ĐBSCL thông qua việc thành lập các câu lạc bộ của các nhà tư vấn, các nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm để hỗ trợ các bạn trẻ” - ông Nguyễn Phương Lam nói.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/uom-mam-dan-dat-cac-y-tuong-khoi-nghiep-a116549.html