Ước tính thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng còn rất 'bát nháo'

Thị trường đồng hồ Việt Nam rất phân mảnh. Mặc dù nhu cầu về đồng hồ rất lớn nhưng không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng vốn có giá bán khá cao so với mức đa số người Việt sẵn sàng chi trả.

Thị trường đồng hồ ở Việt Nam có giá trị khoảng 17.000 tỷ (theo bộ phận nghiên cứu PNJ), độ phân mảnh cao và còn rất “bát nháo” về nguồn gốc sản phẩm. Đồng hồ đeo tay tại Việt Nam có thể chia làm 2 phân khúc chính:

Đồng hồ thời trang: Đây là sản phẩm đến từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng và thường không chuyên về đồng hồ như Michael Kors, Daniel Wellington, Calvin Klein hay Emporio Armani. Dòng sản phẩm này có tính thẩm mỹ cao, giá dao động từ thấp đến trung bình (dưới 10 triệu đồng), đối tượng khách hàng chủ yếu là nữ.

Đồng hồ thông thường: Sản phẩm đến từ các thương hiệu chuyên về đồng hồ, chủ yếu là Thụy Sĩ (Rolex, Omega, FC, Tissot) và Nhật Bản (Seiko, Citizen, Orient, Casio). Dòng sản phẩm này ở thị trường Việt Nam đa phần có thiết kế thiên hướng nam tính, giá thường dao động từ trung bình (vài triệu) đến cao cấp (hàng trăm triệu). Đối tượng khách hàng thường là nam.

Mới đây, báo cáo “Sơ lược thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam” của Khối phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, vì giá dòng đồng hồ thông thường cao nên đồng hồ giả trên thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ dòng sản phẩm này.

Tại Việt Nam, chỉ có một số ít các cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, đây một vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ.

Theo VDSC, rất khó để người tiêu dùng thông thường có thể kiểm tra tính chính hãng của mặt hàng này và người mua đồng hồ ở Việt Nam thường chỉ đặt niềm tin vào uy tín cửa hàng.

Khảo sát qua các địa điểm mua sắm, VDSC thấy rằng hầu hết (bao gồm các cửa hàng tư nhân trong nước và các trang web ở nước ngoài) chủ yếu tập trung vào khách hàng nam, với 60-70% sản phẩm bày bán là đồng hồ nam và khoảng 60% sản phẩm có giá trên 10 triệu đồng (phân khúc giá trung bình và cao). Các cửa hàng PNJ và Doji tập trung vào khách hàng nữ với 63% (PNJ) và 87% (Doji) mẫu mã là đồng hồ nữ. Điều này là dễ hiểu khi PNJ và Doji là các chuỗi trang sức và hướng tới khách hàng nữ.

PNJ đã thử nghiệm bán đồng hồ từ năm 2012, đến nay chuỗi này cung cấp khá đa dạng các loại đồng hồ với gần 1.000 mẫu từ 9 thương hiệu. Trong khi đó Doji mới gia nhập ngành, hiện chỉ bán 45 mẫu đồng hồ đến từ 2 thương hiệu. Nhìn chung, cả PNJ và Doji đều nhắm đến phân khúc trung bình thấp với 75% (PNJ), và 100% (Doji) các mẫu có giá dưới 10 triệu đồng.

VDSC cho rằng, cơ cấu nói trên là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong (là thành phần tạo nên mức giá rất cao của những mẫu đồng hồ cao cấp). Do đó, việc trả hơn 10 triệu đồng cho một chiếc đồng hồ (vốn chỉ là một trong rất nhiều loại trang sức của phụ nữ) có vẻ là quá nhiều.

VDSC đánh giá, thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Nhu cầu về đồng hồ, mặc dù rất lớn, không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng – vốn có giá bán vẫn khá cao so với mức đa số người VIệt sẵn sàng chi trả.

Hơn nữa, độ bền cao của đồng hồ (kể cả đồng hồ giả) và không cần phải bảo trì thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến hàng xách tay trở nên phổ biến bởi giá thường rẻ hơn đáng kể so với mua trong nước. Do đó, miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng "không hề dễ ăn".

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/uoc-tinh-thi-truong-ban-le-dong-ho-viet-nam-khoang-17000-ty-dong-nhung-con-rat-bat-nhao-3486787.html