Ước nguyện ngày 8/3 của người đàn bà cô đơn ăn cơm bằng chân

'Đối với tôi, tôi chỉ ước mình có sức khỏe còn nếu được tặng hoa thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ đối với tôi', bà Quế tâm sự.

Nhiều năm nay, bà Hồ Thị Quế (69 tuổi), ở thôn Đồng Hy, xã Ninh Hòa, huyện Ninh Giang (Hải Dương) được mọi người biết đến có đôi chân kỳ diệu làm được mọi thứ. Tuy nhiên, phía sau đôi chân ấy là một câu chuyện cảm động về số phận không may của người phụ nữ kém duyên.

Bà Quế dùng con dao nhỏ kẹp vào 2 ngón chân để cắt rau lang. Ảnh: Đ.Tùy

Có mặt tại gia đình bà Quế vào buổi chiều muộn 8/3, chúng tôi bắt gặp bà đang cặm cụi ngồi trên chiếc ghế ngoài vườn dùng con dao nhỏ kẹp vào 2 ngón chân để bới khoai một cách thành thạo trong khi cả 2 tay bị liệt từ nhỏ.

Bà Quế cho biết: “Tôi dùng chân để làm mọi việc đã lâu và đến nay tôi cũng không nhớ tại sao mình lại làm được như vậy. Có lẽ, do số phận kém may mắn khi bản thân không có đôi tay lành lặn như người khác. Tuy nhiên, nếu không tự làm thì cũng không có ai chăm sóc và lo cho mình mãi được”.

Nhiều năm nay, chính đôi chân này đã giúp bà tự lo cho cuộc sống của bản thân. Ảnh: Đ.Tùy

Là con út trong gia đình có 5 anh, chị em, hồi còn nhỏ bà khỏe mạnh bình thường như nhiều đứa trẻ khác, nhưng càng lớn thì đôi tay càng nhỏ teo lại và không thể cầm nắm được. Đặc biệt, hai bàn tay cùng các ngón co cắp lại và người dân đặt tên là “cô Khèo”. Từ đó đến nay, tên cô Khèo được nhiều người biết hơn là tên Hồ Thị Quế.

Khi 15 tuổi, bà vẫn không biết đứng, biết đi và chỉ ngồi một chỗ. Nếu có đi lại thì cách di chuyển duy nhất là bà lê khắp sân khiến chiếc quần nào bà mặc đều rách bươm.

Hình ảnh bà Quế làm mọi thứ bằng chân đã quá quen thuộc đối với người dân xã Ninh Hòa. Ảnh: Đ.Tùy

“Hồi nhỏ tôi cũng được bố mẹ đi học nhưng bị nhiều bạn bè xa lánh vả lại bản thân bị tàn tật nên học cũng chẳng làm gì nên tôi bỏ. Cho nên, đến lúc này tôi không biết viết, biết chữ nhưng có thể nhận biết mệnh giá tiền”, bà Quế cho biết.

Vốn gia đình khốn khó và đông anh em, cho nên việc chữa bệnh cho bà cũng không có điều kiện và mọi sinh hoạt của bà đều nhờ vào anh chị, người thân. Từ khi bố mẹ qua đời, bà được anh trai đón về chăm sóc và địa phương cho mảnh đất làm nhà và từ đó bà ở một mình đến nay, không có chồng, không có con.

Bao nhiêu năm nay, bà Quế luôn dùng chân thay cho đôi tay để ăn cơm. Ảnh: Đ.Tùy

Bà Quế tâm sự: “Nếu như không tự mình làm để chăm sóc cho bản thân thì không ai lo cho mình cả đời được. Vì vậy, tôi quyết tâm tập làm mọi thứ bằng đôi chân, từ nấu cơm, quét nhà, trồng rau, giặt quần áo... và ăn cơm cũng bằng chính đôi chân này”.

Do chỉ được trợ cấp vài trăm nghìn đồng hàng tháng theo chế độ người tàn tật nên bà tự trồng rau, nuôi gà.Trong mảnh vườn nhỏ, bà trồng đủ các loại rau và chính từ nguồn thực phẩm này khiến bà sống khỏe, nhiều năm nay bà không ốm đau đi viện.

Việc thắp hương tổ tiên, bố mẹ bà cũng dùng chính đôi chân của mình. Ảnh: Đ.Tùy

Nói về ngày 8/3 bà chia sẻ, mỗi khi đến ngày này bà thường mua ít thịt lợn ngoài chợ, sau đó về rửa sạch và luộc chín. Đến trưa, bà thay quần áo và thắp hương bố mẹ cùng gia tiên. Đây như một thói quen nhiều năm nay, bởi lẽ theo bà thì ngày vui của mình, mình cũng nên thông báo cho tổ tiên, bố mẹ đã khuất để mọi người chung vui cùng.

“Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa được ai tặng hoa hay bất kỳ một món quà nào trong ngày 8/3. Nếu được tặng thì đó là món quà vô giá không chỉ về tinh thần mà còn là nguồn động viên lớn với tôi. Nếu có được tặng, chắc chắn tôi sẽ để lên bàn thờ, sau đó thắp hương để người đã khuất cùng được hưởng”, bà Quế cho biết.

Biết mình không được may mắn, lành lặn nhưng bà Quế luôn sống thoải mái và bằng lòng với số phận của mình. Ảnh: Đ.Tùy

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Mạnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa chia sẻ, hoàn cảnh của bà Quế trong xã này ai cũng biết. Tuy là người tàn tật, cô đơn, khốn khó nhưng chưa khi nào bà an phận, luôn vượt qua chính mình bằng đôi chân kỳ diệu.

“Ai cũng có mong ước trong những ngày trọng đại, ngày dành cho giới mình, nhưng đối với tôi, tôi chỉ ước mình có sức khỏe còn nếu được tặng hoa thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ đối với tôi”, bà Quế tâm sự.

Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/uoc-nguyen-ngay-8-3-cua-nguoi-dan-ba-co-don-an-com-bang-chan-20180308201434909.htm